Tính đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 323 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.448 ha, tổng vốn đầu tư 355.677 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 23 dự án, trong đó có 20 dự án của huyện Phú Quốc và 3 dự án của TP Rạch Giá đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Toàn bộ 23 dự án này có tổng diện tích 386,33 ha, tổng vốn đầu tư hơn 20.493 tỷ đồng.
Hiện nay, Phú Quốc đã xuất hiện rất nhiều những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, CEO Group,… Đặc biệt, Phú Quốc đã thu hút được rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng về khai thác, vận hành và quản lí khách sạn như Accor, Marriott,…
Riêng Phú Quốc hiện có 279 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch với diện tích 9.947 ha, tổng vốn đầu tư 349.733 tỷ đồng. Trong đó, 41 dự án đã hoạt động với diện tích khoảng 1.188 ha, tổng vốn đầu tư 12.423 tỷ đồng; 71 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích 4.020 ha, tổng vốn đầu tư 163.328 tỷ đồng; 167 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương, nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục đầu tư với diện tích 4.739 ha, tổng vốn đầu tư ước thực hiện 173.983 tỷ đồng.
Quy hoạch đúng trọng điểm
Để khai thác hiệu quả tiềm năng của Phú Quốc, Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 9-11-2005. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 340 nghìn tỷ đồng.
Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Huyện Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II vào năm 2014.
Chính phủ nhận thấy rằng, quá trình phát triển của huyện Phú Quốc đã phát sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Vì vậy, thành lập TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý trên địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Kiên Giang, năm 2019, tổng giá trị sản xuất của Phú Quốc đạt 56.547 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng chiếm 40,41%; thương mại – dịch vụ chiếm 51,90%; tổng thu ngân sách đạt hơn 5.257 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện hiện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340.000 tỷ đồng; trong đó có 47 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Phú Quốc được biết đến là trung tâm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ khu vực, quốc tế với các khu du lịch hiện đại, thân thiện, an toàn; có các dịch vụ, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, triển lãm – hội nghị quốc tế lớn như Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo An Thới – Hòn Thơm, Casino Phú Quốc, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay… Nhờ đó, năm 2018, Phú Quốc đón 2,55 triệu lượt khách du lịch, năm 2019 đạt hơn 3 triệu lượt, chiếm khoảng 60% lượng khách du lịch của tỉnh Kiên Giang.
Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Phú Quốc đã tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển chung của tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Tân, huyện đảo Phú Quốc vẫn thực hiện quản lý hành chính nhà nước theo mô hình chính quyền nông thôn, bộ máy chính quyền hiện nay không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều vấn đề bất cập.