4 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tại TP. HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 7%.
Theo số liệu NHNN TP.HCM, dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt: 196 nghìn tỷ đồng, với lãi suất thấp (không quá 4,5%/năm) đã tạo điều kiện cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 76% trong tổng dư nợ của chương trình này.
Tín dụng tăng, lãi suất huy động tuy có sự thay đổi, song theo NHNN TP.HCM, mức tăng không nhiều (tăng khoảng 0,17 – 0,2%/năm) và chủ yếu ở các loại sản phẩm tiền gửi đặc thù (như số tiền gửi lớn; kỳ hạn gửi trung dài hạn và gắn với sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như gửi tiết kiệm online, sử dụng dịch vụ ngân hàng số…).
Tín dụng bằng VND chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng (chiếm 93%) và tăng trưởng 7,6% so với cuối năm 2021. Tín dụng tăng trưởng gắn liền với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND TP.HCM; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, giảm áp lực trả nợ và tiếp tục bổ sung vốn để phục hồi và tăng trưởng.
NHNN TP.HCM cũng cho biết, thị trường ngoại hối và vàng cũng tương đối ổn định, cung cầu ngoại tệ ổn định và đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Mặc dù bối cảnh thị trường tài chính, thị trường vàng thế giới 4 tháng đầu năm biến động mạnh, giá vàng tăng cao (tăng trên 9% so với cuối năm 2021) song tỷ giá và thị trường ngoại hối, vàng trong nước nói chung và tại TP.HCM vẫn ổn định.
Đến cuối tháng 4/2022, tổng giá trị nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, cho gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn, góp phần trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch để ổn định và phục hồi tăng trưởng.
Trong đó, tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp – khu chế xuất tiếp tục đạt tốc tăng trưởng cao.
Cụ thể, dư nợ cho vay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn (đến cuối tháng 3/2022) đạt trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Kết quả này phù hợp với những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp – khu chế xuất với hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá trong 3 tháng đầu năm và thời gian qua.
Tổng Hợp