Trong báo cáo vừa công bố mới đây, Bộ Xây dựng dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến ngày 30/11/2021 đạt 690.075 tỷ đồng. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 xấp xỉ 700.000 tỷ đồng.
Tại họp báo do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào cuối năm ngoái, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Trong đó, NHNN sẽ siết chặt bất động sản có tính chất đầu cơ, các dự án lớn. Còn những dự án phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, NHNN vẫn khuyến khích. Riêng một số lĩnh vực rủi ro và đang có biểu hiện không lành mạnh như trái phiếu doanh nghiệp, Phó thống đốc cho biết năm tới sẽ không đẩy mạnh, thậm chí sẽ tiến hành thanh kiểm tra những doanh nghiệp phát hành chưa đảm bảo ngưỡng an toàn trong thời gian qua.
Trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Theo Bộ Xây dựng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao (8 – 13%/năm), không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường. Trước đó vào ngày 3/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 8857/CĐ-VPCP yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra và rà soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tránh những tiềm ẩn, rủi ro về việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong tháng 1/2022, các doan nghiệp bất động sản đã phát hành 15.700 tỷ đồng trái phiếu, theo Chứng khoán MB (MBS). Trong đó, một số doanh nghiệp phát hành giá trị lớn như CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Xây Dựng Tường Khải (2.990 tỷ đồng), CTCP Xây dựng Minh Trường Phú (2.950 tỷ đồng),..
“Tỷ lệ dư nợ tín dụng của hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 7% trên tổng dư nợ tín dụng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ này vẫn trong ngưỡng an toàn”, Bộ Xây dựng thông tin.
Các doanh nghiệp đã công bố thông tin, tính riêng tháng 12, các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực bất động sản (BĐS) có 18 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị gần 17.147 tỷ đồng. Con số này cao nhất trong quý cuối năm và gấp hơn hai lần giá trị phát hành ở tháng 11. Các trái phiếu có kỳ hạn trung bình 2-3 năm, lãi suất thấp nhất 8%/năm và cao nhất 13%/năm).Trong năm 2021, các doanh nghiệp BĐS đã phát hành ít nhất 204.000 tỷ đồng trái phiếu, tương đương khoảng 9 tỷ USD, gấp khoảng 3,2 lần so với năm trước đó. Số liệu không bao gồm các doanh nghiệp chưa công bố thông tin tính đến ngày 31/12/2021 cho nên con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Nhiều thương vụ có giá trị hàng chục nghìn tỷ được phát hành bởi các nhóm doanh nghiệp như Vạn Thịnh Phát, Masterise, Novaland, Vingroup, Sunshine, Hưng Thịnh,… và do công ty chứng khoán liên kết với ngân hàng đứng ra thu xếp. Bên cạnh đó, giai đoạn từ quý III đến đầu quý IV, phần lớn các công ty chứng khoán và tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò trái chủ của nhiều lô trái phiếu lớn.
Bên cạnh vai trò phát triển mạnh mẽ thị trường vốn, cũng như giúp các doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc huy động tiền phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển dự án, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu BĐS nói riêng sau thời gian tăng trưởng nóng đã bộc lộ nhiều rủi ro. Theo phân tích của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), FiinGroup và các công ty chứng khoán, chiếm tỷ trọng lớn trái phiếu BĐS hiện nay do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu.