Tùy vào thời điểm để quyết định đưa ra giá mua, giá bán phù hợp, nếu không, già néo sẽ đứt dây. Dù bối cảnh thị trường bất động sản thế nào, thì hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A) dự án vẫn diễn ra sôi động…
Trước thực tế thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, các các đơn vị phát triển bất động sản đang bị đẩy vào một giai đoạn đầy thách thức khi các kênh huy động vốn như phát hành trái phiếu, tín dụng, thị trường chứng khoán đều bị gián đoạn. Bên cạnh vấn đề về nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều trở ngại cả về khách quan và chủ quan, chẳng hạn như lãi suất, tỷ giá và chi phí xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp có chung nhìn nhận, M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện các dự án. Thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết được những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng. Tuy nhiên, có một thực tế, không phải thương vụ M&A nào bên mua cũng gặp thuận lợi, mà hậu các thương vụ, bên mua vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro xuất phát từ nhiều yếu tố.
Tổng giám đốc một tập đoàn đã từng thực hiện nhiều thương vụ M&A cho biết, doanh nghiệp đang rất “đau đầu” vì đang “ôm” một số dự án nhưng đối mặt với rủi ro của thị trường.
“Thời điểm đưa ra quyết định mua dự án, thị trường đang rất tốt, việc tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và lãi suất khá thấp. Song, với tình hình hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn quá khó, lãi suất cao, trong khi đầu ra thị trường bị mất thanh khoản khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, triển khai không được, để đó cũng không xong”, vị này cho biết.
Ngoài trường hợp kể trên, theo ghi nhận của chúng tôi, có khá nhiều dự án từ các thương vụ M&A thời gian qua đang đối mặt với yếu tố rủi ro từ thị trường. Trong đó, có nhiều dự án được mua từ thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, thời điểm thị trường bất động sản đang diễn ra cơn sốt, tín dụng ngân hàng chưa bị siết chặt và lãi vay còn thấp, nên nhiều doanh nghiệp đã quyết định mua dự án với giá khá cao. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, khả năng các dự án bị “mắc kẹt” là rất lớn.
Từ năm 2020 trở về trước, một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản muốn săn quỹ đất để phát triển dự án là nguồn hàng ít do thị trường phát triển mạnh, quỹ đất khan hiếm, nếu có bên nào đó bán thì giá cũng bị hét ở mức cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn hàng rao bán rất nhiều do sau 2 năm đối mặt với “cơn bão” Covid-19, tiếp đến năm 2022 thị trường rơi vào tình trạng tắc thanh khoản do tín dụng bị siết, thủ tục dự án kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức không còn khả năng thực hiện dự án buộc phải rao bán dự án.
Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ “bom tấn”, có thể kể đến như Novaland mua lại dự án Kenton Node tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM từ Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, hay Masterise Homes thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An và đổi tên thành The Global City…
Với những tín hiệu mạnh mẽ như vậy, Cushman & Wakefield cho rằng, năm 2022 vẫn là một năm xuất hiện hàng loạt thương vụ M&A đình đám dù thị trường chung xuất hiện nhiều khó khăn.
Theo dữ liệu tổng hợp bởi RCA Analytics và Cushman & Wakefield trong giai đoạn 2020 – 2021, thị trường nhà ở vẫn là phân khúc sôi động nhất với tổng giá trị của các thương vụ đạt 683 triệu USD và phân khúc này sẽ tiếp tục là ngôi sao sáng trong năm 2022 nhờ vào gói đầu tư hạ tầng gần 114.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua.
Đứng thứ hai là thị trường bất động sản công nghiệp với 558 triệu USD, khi nhiều hoạt động sôi nổi đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như BWID, Emergent, LOGOS, JD, Cainiao.
Chúng tôi dự báo, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục bứt phá. Bên cạnh đó, nhờ vào việc mở cửa lại các đường bay quốc tế, thị trường sẽ chứng kiến câu chuyện phục hồi mạnh mẽ ở các mảng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng, bán lẻ, vốn đã bị kìm hãm trong thời gian qua.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)