Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 3,26%, bằng nửa năm ngoái và còn rất xa mục tiêu 14% cả năm.
3,26% là con số dễ hiểu bởi dịch Covid-19 và phù hợp với mức tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 1,81% của Việt Nam. Nhưng nếu so sánh với cùng kỳ thì đây rõ ràng là con số rất thấp, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 7,36% và 6 tháng năm 2018 là 7,82%. Vì thế, mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm 2020 thế nào sẽ là câu hỏi cần dự báo sớm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, khôi phục nhanh chóng sản xuất – kinh doanh.
Số liệu chi tiết tính tới 19/6/2020, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn tăng 0,35%; sản xuất – xuất khẩu tăng 4,94%; công nghệ cao tăng 2,92%; công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%. Mặc dù, dịch bệnh đã được khống chế tại Việt Nam từ đầu tháng 5 và các hoạt động kinh tế – xã hội dần được khôi phục, nhưng trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa thực sự hồi phục và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khiến nhu cầu tín dụng ở mức thấp, dù lãi suất cho vay giảm.
“Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu tăng lên khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) dù tích cực thực hiện chủ trương của NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp (miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn, tái cơ cấu nợ…), nhưng vẫn thận trọng (không hạ chuẩn) trong việc xét duyệt các khoản vay mới”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định.
Điểm đáng chú ý, tính đến 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% và huy động vốn của các TCTD tăng 4,35% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 6,05% và 6,09%). Đây là sự cải thiện rõ rệt so với 4 tháng đầu năm 2020 khi tổng huy động vốn chỉ tăng 0,07% so với cùng kỳ 2019. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2020 một mặt cho thấy thanh khoản của hệ thống được cải thiện, nhưng mặt khác thể hiện sự khó khăn của các TCTD trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia kinh tế nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu cho thấy dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, đầu tư công càng cần phải được đẩy mạnh để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC nêu quan điểm, mặc dù Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng quý so với cùng kỳ yếu nhất trong lịch sử, nhưng trong quý II vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, gây ngạc nhiên cho thị trường với mức tăng trưởng dương.
“Nhìn chung, Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn chúng ta dự đoán trước đây nhờ vào thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19 sau khi mở lại nền kinh tế”, bà Yun Liu chia sẻ.
Theo đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 3% từ mức 1,6% dự báo trước đó và giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 9,1% xuống 8,5%.
Ngoài ra, HSBC nâng dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2020 từ mức 2,7% lên mức 3,3% do giá thực phẩm dự báo tiếp tục tăng. Với sự phục hồi tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và lạm phát được kiểm soát tương đối trong năm nay, HSBC không kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản của lãi suất trong quý III. Mức lãi suất tái cấp vốn của NHNN sẽ được giữ nguyên ở mức 4,5%/năm trong suốt năm 2020.
Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt phân tích, trong các tháng cuối năm, tín dụng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn 6 tháng đầu năm nhưng mức độ tăng sẽ chỉ ở mức vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm được dự báo ở quanh mức 10%.
Tương đồng về quan điểm, TS. Lực nhận định: “Nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn, dự kiến từ 9-10%”.
Bà Yun Liu nói: “Chúng tôi tin rằng vẫn còn có những lý do để thận trọng. Từ phía khách quan, nguy cơ xảy ra làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai có thể hạn chế triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Từ trong nước, thị trường lao động suy thoái đã đặt ra câu hỏi về việc phục hồi nhu cầu nội địa có thể được duy trì trong bao lâu”.