Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu dự án đường cao tốc nhưng các đơn vị đã tập trung xử lý vướng mắc. Đến nay, tiến độ thi công cao tốc vẫn chưa bị ngưng và luôn bám sát theo kế hoạch.
Thông tin từ Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ cũng đang tăng tốc thi công để đảm bảo tiến độ. Toàn dự án huy động 255 cán bộ kỹ thuật, lái máy, 136 thiết bị và đang triển khai 33 mũi thi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành toàn bộ công tác đắp cát đến cao độ bấc thấm các đoạn không vướng mặt bằng. Các nhà thầu đã đắp cát đường gom khoảng 45%, tập kết cát gia tải khoảng 25%. Cắm bấc thấm khoảng 51%, bắt tay vào thi công toàn bộ 15 cầu trên tuyến chính.
Về mặt bằng, dự án đã bàn giao cho nhà thầu được 22,38/22,97km, đạt 97% và còn vướng 1,35km do 121 hộ dân chưa di dời. Phía tỉnh Vĩnh Long đã bàn giao được 12,09/12,53km, đạt 96%, còn vướng 101 hộ với khoảng 1,1km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh này còn vướng 3 vị trí đường điện cao thế 110kV, 20 vị trí điện trung, hạ thế và 6,6km tuyến ống cấp nước.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, nhà thầu đã được bàn giao 10,29/10,44km, đạt 98% và hiện còn vướng 20 hộ với khoảng 0,25km. Dự án còn vướng 12 vị trí tuyến đường điện trung, hạ thế, 7 tuyến ống cấp nước. Đáng chú ý, sau khoảng 10 tháng thi công, nhà thầu chưa thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến do còn vướng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. Các đoạn vướng này có thời gian gia tải, chờ lún từ 12-14 tháng, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chung của dự án.
Trong khi đó, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết cũng đã lập kế hoạch mới cho giai đoạn sau mùa mưa để tận dụng thời tiết đang vào mùa khô để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay sản lượng giải ngân các gói thầu xây lắp đạt hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2021 (đạt 78,9%). So với kế hoạch giải ngân, đến nay vượt 2,3%. Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long đánh giá, nhân sự là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ của từng gói thầu và toàn bộ dự án. Vừa qua, tại 2 gói thầu qua tỉnh Bình Thuận, nhân viên tư vấn giám sát chưa giám sát chặt chất lượng đầu vào nên buộc phải cào bóc ra khỏi phạm vi công trường. Ban đã yêu cầu nhà thầu phụ trách tư vấn giám sát 2 gói thầu XL-01, XL-02 khẩn trương kiện toàn lại nhân sự, thay thế, bổ sung nhân lực để đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của dự án.
Hiện, Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu các nhà thầu phải tận dụng thời tiết khô ráo, tập trung nhiều mũi thi công chia sản lượng ra từng ngày, thời gian chỉ còn 1 năm nữa là phải hoàn thành toàn bộ dự án. Do đó, các đơn vị phấn đấu đến tháng 5/2022 thảm xong lớp bê tông nhựa mặt đường lớp 1 hoặc lớp nhựa thứ 2.
Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều 99km đường cao tốc và 2,35km đường nối với QL1, có 4 gói thầu xây lắp. Trong đó, tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận dài 47,67km, đoạn qua Đồng Nai dài 51,33km. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Còn tại, dự án cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo, khó khăn lớn nhất đó là nhiều cán bộ, kỹ sư công trường bị mắc COVID-19, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và tiến độ dự án. Đồng thời, dự án vẫn chưa giải quyết được vấn đề đất đắp. Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, Ban QLDA 7, tỉnh Bình Thuận, những khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp đã từng bước tháo gỡ.
Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết đã mời các đơn vị thi công họp tại công trường để kiểm điểm tình hình thực hiện dự án, đánh giá nguyên nhân chậm trễ. Ban QLDA 7 đã có văn bản xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng lần 1 với 6 nhà thầu, nếu tiếp tục chậm trễ sẽ ban sẽ báo cáo Bộ GTVT xử lý cắt chuyển khối lượng chậm trễ theo quy định. Đồng thời, ban cũng ký cam kết về khối lượng thực hiện một số hạng mục chính, sản lượng thực hiện, giải ngân từ nay đến cuối năm 2021 và cam kết hoàn thành dự án theo hợp đồng trong năm 2022.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận kết nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài hơn 51 km, với tổng mức đầu tư dự án là hơn 12.000 tỷ đồng. Đây là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM giúp giảm tải cho QL1. Những ngày này, không khí thi công trên công trường dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận diễn ra hối hả. Những dàn xe máy thảm bê tông nhựa hoạt động liên tục để thảm nhựa mới những khoảng 10 km đoạn còn lại. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đã tập trung xử lý vướng mắc. Đến nay, tiến độ thi công vẫn chưa bị ngưng và luôn bám sát theo kế hoạch.
Thực hiện nghiêm phương châm “3 tại chỗ”, tất cả cán bộ, công nhân viên trong thời gian qua đã bám trụ lại với dự án. Dự án hiện đã đạt trên 85% khối lượng, thi công nền đường đã hoàn thành 44/45 km. Đoạn qua huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã hoàn thiện thảm nhựa, sơn vạch kẻ đường, dải phân cách, lan can, lưới chống chói và đường dân sinh. Hệ thống lưới chống chói, biển báo trên cao tốc cũng đã được lắp đặt. 39 cây cầu bắc qua sông trên toàn tuyến hiện đã hoàn thành, ô tô có thể lưu thông, chỉ còn một số công đoạn cuối như vệ sinh mặt cầu và lắp đặt thiết bị cần thiết.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, đến nay đã hoàn thành cơ bản phần nền đường. Công tác thảm bê tông nhựa sẽ hoàn thành toàn bộ 45 km trong những ngày tới, sau đó là thi công hệ thống ATGT, biển báo, thông tin liên lạc. Các đơn vị đang tập trung giữ mục tiêu hoàn thành cuối năm 2021 để phục vụ người dân đi lại thuận tiện dịp Tết năm nay.
Bên cạnh đó, cầu Mỹ Thuận 2, một trong những dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã vượt qua những cột mốc quan trọng. Các nhà thầu đã tập trung thiết bị để thi công 2 bệ trụ chính dây văng và 2 trụ neo. Theo kế hoạch đến cuối tháng 12 sẽ hoàn thành 2 bệ trụ chính, sau đó sẽ bắt tay vào thi công thân trụ dây văng. Đường dẫn phía 2 bờ Tiền Giang, Vĩnh Long cũng đã đạt trên 70% khối lượng.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)