Tính từ năm 1992, thời điểm dự án quy hoạch Bình Qưới – Thanh Đa được phê duyệt đến nay đã gần 3 thập kỷ trôi qua nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy. Tới năm 2018, khi TP.HCM quyết tâm tái khởi động lại dự án bằng việc tìm nhà đầu tư mới thì hiện dự án vẫn còn đang “chìm vào giấc ngủ”.
Sống khổ ở dự án treo
Dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992, có tổng diện tích rộng hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM), với dân số khoảng 45.000 người.
Kể từ khi được phê duyệt đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng (khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa sẽ được quy hoạch là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc).
Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này đã không thể triển khai được dự án. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.
Một góc bán đảo Bình Qưới – Thanh Đa nhìn từ trên cao.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (một công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Nhưng đến giữa năm 2017, do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã xin rút lui khỏi dự án vì không đủ kiên nhẫn để chờ đợi bàn giao mặt bằng sạch, khiến dự án lại tiếp tục bị kéo dài.
Dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được đánh giá là nằm trong “đất vàng” khu vực hiếm hoi còn lại tai trung tâm TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu cho 2 hạng mục ước tính khoảng 29.900 tỷ đồng (1,35 tỷ USD), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn tổng mức đầu tư khoảng 22.700 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 7.200 tỷ đồng (chưa tính đến toàn bộ tiền đầu tư xây dựng khu đô thị) và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2032.
Tuy nhiên, từ khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt thì đến nay dự án vẫn chưa thấy đâu, chỉ có hơn 3.000 hộ dân với 45.000 nhân khẩu ở bán đảo Bình Quới – Thanh Đa vẫn đang sống với nghề nông, buôn bán nhỏ và… chờ đợi không biết đến khi nào thì dự án mới được triển khai.
Trong khi đó, gần 30 năm quy hoạch “treo”, bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã trở về vạch xuất phát ban đầu, tức là đang chờ TP.HCM xây dựng phương án tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.
Sống giữa lòng thành phố, người dân nơi đây vẫn làm nghề trồng lúa, nuôi vịt, nuôi bò… chẳng khác gì một vùng nông thôn hiện hữu giữa lòng một đô thị hiện đại, văn minh. Thế nhưng, thực tế đằng sau không gian “yên bình” đó là cuộc sống khốn khổ của hàng ngàn hộ dân đã kéo dài gần 3 thập kỷ qua vì dính quy hoạch.
Điều đáng nói, khác với các khu vực nông thôn khác là người dân có thể làm lại căn nhà, trong khi người dân Thanh Đa chẳng thể làm gì trên mảnh đất của mình. Suốt quãng thời gian dài, họ chỉ biết đến những dự định và lời hứa hẹn của chính quyền.
Theo người dân ở đây, mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng họ không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục. Đến thời điểm hiện tại họ đã ngán ngẫm với “quy hoạch treo”.
Gần 3 thập kỷ trôi qua người dân bán đảo Bình Qưới – Thanh Đa vẫn sống bám trụ vào nghề trồng lúa, chăn nuôi…
Ông Huỳnh Văn Hiện, sống tại căn nhà 488/65/20 đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh cho biết, từ năm 1994 đến nay, toàn bộ bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã thuộc diện quy hoạch phát triển khu đô thị, thành phố cũng đã rất nhiều lần công bố điều chỉnh quy hoạch, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện đầu tư gì.
“Nhà dột nát lắm. Đi thì chưa được đi, mà ở thì không được sửa. Chịu hết nổi rồi. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ dân sống tại đây cũng trong tình cảnh tương tự, vì bị quy hoạch “treo” nên bán đất không ai mua, xây cất nhà cũng chẳng được”, ông Hiên chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Văn Tài, ngụ hẻm 480, đường Bình Quới, mong muốn thành phố sớm có câu trả lời dứt khoát cho người dân biết lúc nào sẽ thực hiện dự án?
“Nhu cầu của người dân rất lớn nhưng phải ở chật chội vì có đất mà không được cất nhà hợp pháp. Nếu trong vòng 5-10 năm nữa chưa triển khai thì cấp phép xây dựng tạm để người dân sống trong căn nhà khang trang”, ông Tài kiến nghị.
Cũng theo ông Tài, khi nghe được thông tin thành phố đang xem xét điều chỉnh lại ranh dự án này, người dân ở đây rất phấn khởi vì cho rằng, quy mô dự án nhỏ lại thì thành phố sẽ thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư hơn và khi đó biết được nhà mình sẽ đi hay ở lại. Qua đó, cũng mong muốn thành phố sớm thực hiện những ý tưởng này bởi thực tế, việc cấp phép xây dựng tạm cho người dân vẫn chưa được triển khai.
Trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm cho người dân sinh sống trên bán đảo Thanh Đa. Hiện khu vực dự kiến triển khai dự án này có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu.
Đồng thời, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá, xác định tính khả thi của dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa để điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, làm cơ sở để người dân được thực hiện tách thửa và được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của UBND TP.HCM.
Cuối năm 2020 lấy ý kiến dân
Thông tin với Nhadautu.vn ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện nay dự án Bình Qưới – Thanh Đa chỉ mới thông qua điều chỉnh quy hoạch, tới đây phía UBND TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến dân.
“Hiện đã có hơn 10 nhà thầu bao gồm cả nhà thầu quốc tế đã nộp đơn xin đấu thầu, tuy nhiên, vẫn phải chờ để lấy ý kiến dân, dự kiến là cuối năm 2020 sẽ hoàn tất việc quy hoạch cũng như sẽ triển khai lấy ý kiến của người dân”, ông Hoan thông tin.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho hay, lần điều chỉnh này về cơ bản sẽ phù hợp hơn so với quy hoạch trước đó, tức là hạn chế giải tỏa dân cư và sử dụng đất công nhiều hơn.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2019, thời điểm này ông Võ Văn Hoan là Chánh văn phòng UBND TP.HCM từng thông tin, dự án Bình Quới – Thanh Đa đến nay đã có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đưa ra những yêu cầu đối với thành phố, nếu như họ trúng thầu thì Thành phố phải bảo đảm thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng, đơn giá sử dụng đất….
Cuối năm 2018, ông Hoan cũng từng xác nhận đã có 4 nhà đầu tư nước ngoài xin ứng trước 3 tỷ USD để triển khai dự án. Tuy nhiên, về vấn đề này thành phố sẽ cho mở thầu công khai để chọn chủ đầu tư và khởi động lại quy hoạch dự án này.
Nói về công tác chuẩn bị, theo ông Hoan, thành phố đang rà soát lại quy hoạch toàn bộ dự án và tiến hành nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp thực tiễn, điều chỉnh lại ranh dự án, tạo điều kiện cho người dân nằm ngoài ranh dự án phát triển theo quy hoạch đã được duyệt.
TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư, qua đó, thành phố cũng hy vọng việc tổ chức đấu thầu sẽ được diễn ra trong thời gian sớm nhất.
Ai đang được giao vẽ lại quy hoạch dự án?
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, tại danh sách công bố các dự án đang được tái khởi động vào tháng 3/2020 thì dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đang được đề xuất giao cho Công ty TNHH TMDV KS Tân Hoàng Minh thực hiện lập đồ án quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Ngoài ra, công ty này cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị cho tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT xây dựng nhà hát giao hưởng và khai thác dự án khu phức hợp 164 đường Đồng Khởi, quận 1.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, đã nhận được văn bản của 10 doanh nghiệp đề nghị được tham gia đấu thầu dự án Bình Quới – Thanh Đa.
Theo đó, danh sách các nhà đầu tư bao gồm: Công ty TNHH Roytrade; CTCP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh CTCP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh CTCP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; CTCP xử lý ùn tắc giao thông – môi trường; CTCP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh CTCP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thaidand) và CTCP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; CTCP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Và lần gần đây nhất là thông tin Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Keppel Land cũng có mong muốn hợp tác để cùng đấu thầu, tham gia vào Dự án đầu tư hạ tầng đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Tuy nhiên, hiện Tập đoàn Bitexco vẫn đang là nhà đầu tư chính tại khu Bình Quới – Thanh Đa. Trước đó, trả lời với báo chí, đại diện Bitexco cho biết, những thông tin về việc UBND TP.HCM quyết định xoá toàn bộ những nỗ lực của Bitexco trong thời gian qua để chuyển dự án qua hình thức đấu thầu sẽ gây thiệt hại cho công ty. Cũng như, gây thiệt hại xã hội và tiếp tục tạo sự bức xúc của người dân vì hàng chục năm qua họ đã mong chờ dự án được triển khai.
“Nếu đấu thầu lại thì thời gian cho các bước theo Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là hơn 700 ngày (hơn hai năm). Còn nếu được chỉ định và trở thành nhà đầu tư, Bitexco đủ năng lực để triển khai dự án, còn nếu đấu thầu thì Bitexco cũng sẽ tham gia đấu thầu theo quy định của nhà nước. Không có chuyện Bitexco tháo chạy khỏi dự án như một số thông truyền thông có đưa”, đại diện Bitexco từng khẳng định.