Tại TP.HCM có hơn 350 dự án cũng đang trong tình trạng “bất động”, hầu hết là các dự án đã quá 3 năm nhưng chưa thu hồi hoặc chưa hoàn thành thu hồi đất. Dự án bất động sản “đóng băng” do hệ thống pháp luật chồng chéo…
Thời gian qua, thị trường bất động sản ở các vùng miền, nhất là ở các thành phố lớn có sự phát triển hết sức mạnh mẽ và nhanh chóng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, cũng như lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp nói riêng và công tác bảo đảm an sinh xã hội nói chung.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, hoạt động thị trường bất động sản cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc cần được các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh về những bất bất cập này, trong đó nổi lên như: Một số thủ tục hành chính về đầu tư còn rườm rà, gây cản trở; sự phát triển của các phân khúc thị trường còn lệch; nguồn vốn tín dụng đầu tư vào thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá nhà ở tiếp tục tăng và ở mức khá cao so với thu nhập của người dân; cơ cấu hàng hóa bất động sản nhiều nơi còn chưa hợp lý…
Cùng với những chính sách đồng bộ hiện hữu, gần đây nhất, ngày 14/12/2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở với những chỉ đạo hết sức quyết liệt, cụ thể trên tinh thần “giao tận tay”, “chỉ tận việc” cho từng bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thị trường này.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định các quy định pháp lý và trình tự thủ tục liên quan đến đất đai, dự án bất động sản chưa giải quyết tháo gỡ do chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các đạo luật chuyên ngành liên quan đến thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận định do vướng mắc pháp lý nên thị trường bất động sản phát triển chưa minh bạch, thiếu an toàn. Trong đó, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có khoảng 400 dự án bất động sản “treo”, chờ thủ tục pháp lý nhiều năm chưa triển khai, trong khi tại TP.HCM có hơn 350 dự án cũng đang trong tình trạng “bất động”, hầu hết là các dự án đã quá 3 năm nhưng chưa thu hồi hoặc chưa hoàn thành thu hồi đất.
Trong số các dự án bất động sản này, vướng mắc chủ yếu là về phương án giá bồi thường, mặc dù hàng năm thành phố đều ban hành quyết định “hệ số điều chỉnh giá đất” cao hơn từ 4 – 35 lần giá đất trong bảng giá đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các “dự án treo” này đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi, đặc biệt gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án bất động sản mới thời gian qua không được các tỉnh, thành phê duyệt là bởi trên một dự án có nhiều loại quyền sử dụng đất khác nhau, được vận hành theo các khung pháp luật khác nhau.
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản “đóng băng”, các chuyên gia cho biết cần rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai. Cùng với đó, phân loại các dự án bất động sản được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất trong thời gian chờ sửa đổi các luật liên quan tới bất động sản, Chính phủ cần hành động nhanh chóng tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án bất động sản đang “nằm chờ” phê duyệt do vướng mắc thủ tục pháp lý tại các địa phương.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị trong lúc chờ Luật Đất đai và một số luật liên quan, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ cần xem xét ban hành ngay “dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản.
“Vướng mắc thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản. Thậm chí, việc này làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp có nguyên nhân do một số quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, nhưng cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định”, ông Châu kiến nghị.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Báo Chính Phủ)