Do giãn cách để phòng chống dịch trong thời gian dài, hầu hết doanh nghiệp địa ốc ngừng hoạt động, nhân viên môi giới đã về quê tránh dịch, trong đó nhiều trường hợp lựa chọn ở lại luôn quê nhà tìm việc, cho nên tình trạng khủng hoảng với doanh nghiệp địa ốc hiện tại là rất lớn cần phải đối mặt…
Xung quanh nỗi lo thiếu hụt lực lượng môi giới hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cũng như công ty môi giới cho biết, thường thì sau các dịp nghỉ lễ tết, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra, nhưng sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Trong dòng người lao động ùn ùn hồi hương từ phía Nam, chúng tôi gặp nhiều người trước đó làm nhân viên môi giới bất động sản. Trao đổi nhanh khi đợi làm thủ tục để qua các chốt kiểm soát, họ đều chia sẻ rằng, buộc phải về quê vì công việc và thu nhập bị đứt quãng.
Kể từ dịch Covid-19 tái bùng phát, sản phẩm trở nên vô cùng khan hiếm, người mua cũng không còn thoải mái xuống tiền như trước, dẫn tới giao dịch giảm mạnh. Vì thế, dù công ty không có chính sách cắt giảm nhân sự, nhưng môi giới vẫn xin nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống.
Sau khi giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động đầu tháng 10/2021, nhưng chỉ có khoảng 30% nhân viên đi làm, số còn lại vẫn nghỉ hoặc còn kẹt ở quê, chưa thể trở lại thành phố làm việc. Do đội ngũ môi giới thiếu hụt trầm trọng nên việc kinh doanh của công ty chưa thể bình thường trở lại. Hơn nữa, số lượng nhân viên công ty đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cũng không nhiều, nên chưa thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng để tư vấn.
Trong tháng 10, hàng loạt công ty đăng tuyển nhân viên môi giới nhưng hiện vẫn chưa có kết quả khả quan. Doanh nghiệp đang đối mặt với khủng hoảng nhân sự trầm trọng, nếu tuyển được cũng là nhân viên chưa có kinh nghiệm, không đầy đủ kỹ năng nhưng trong gia đoạn hiện tại lực lượng này rất cần cho doanh nghiệp.
Những thách thức, khủng hoảng doanh nghiệp địa ốc tiếp tục đối mặt là nguồn hàng. Nguồn hàng hiện đang thiếu, các rổ hàng dần cạn kiệt và độ phong phú không nhiều. Các dự án ven thành phố dường như đã khởi động nhiều đợt nên giá bắt đầu điều chỉnh tăng khách hàng bâng khâng, còn ngoài xa vùng rìa Thành phố thì người dân không mấy mặn mà.
Việc quỹ đất TP HCM ngày càng khan hiếm, giá trị thay đổi bất thường khiến các nhà đầu tư luôn trong tâm trạng bất an khi đầu tư. Trái ngược với điều này, với lợi thế quỹ đất rộng, bất động sản tỉnh, đặc biệt là phân khúc đất nền đã đem đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm nhờ nguồn cung dồi dào, đa dạng cả về chất và lượng. Cơ hội sở hữu bất động sản cũng trở nên dễ dàng hơn do giá thành còn khá “mềm”, chi phí đầu tư thấp hơn so với các thị trường khác.
Lượng giao dịch cũng sụt giảm mạnh bởi nguyên nhân, hệ lụy từ lượng cung sụt giảm, giá bất động sản “đứng” do dịch; tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ. Tâm lý e ngại, lo sợ từ các nhà đầu tư, người tiêu dùng khi thị trường xuất hiện nhiều dự án bất động sản không phù hợp với quy định pháp luật.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, ngày càng khan hiếm nhà ở giá rẻ, bình dân dành cho người có thu nhập thấp. Phân khúc căn hộ cao cấp phát triển mạnh, phù hợp nhóm đối tượng khách nước ngoài nhưng lại bị giới hạn số lượng căn hộ tại mỗi dự án dành cho nhóm khách hàng này. Giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị đã tạo giá ảo.
Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)