Dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực trong năm 2020.
Theo giới phân tích, có hai động lực chính giúp lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh trong 2021 là tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Cụ thể, kết thúc năm 2020, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng khoảng 12,13%, bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm.
Báo cáo tài chính quý IV/2020 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm.
Chẳng hạn tại Vietcombank, dư nợ cho vay cuối năm 2020 đạt 839.788 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối quý III/2020. Tương tự, dư nợ cho vay của BIDV tại ngày 31/12/2020 đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2019 trong khi đến hết tháng 9 mới tăng 2,5%.
Với kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát và lãi suất cho vay tiếp tục đi xuống, tín dụng dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2021.
SSI Research cũng dự báo trong năm 2021, do kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, sự hình thành nợ xấu sẽ giảm so với năm 2020. Theo đó, các ngân hàng quốc doanh có thể hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng này, vì đã xóa phần lớn tài sản có vấn đề (bao gồm trái phiếu VAMC) trong năm 2020.
Vào tháng 3/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo số liệu của cơ quan này, đến 21/12, có khoảng 3,9% dư nợ (khoảng 355.000 tỷ đồng) được cơ cấu lại theo thông tư.
NHNN hiện đang lấy ý kiến về dự thảo văn bản sửa đổi Thông tư 01 khi thông tư này đã hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020.
Dự thảo thông tư yêu cầu các ngân hàng duy trì giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại các khoản nợ bị ảnh hưởng, miễn và giảm lãi suất cho các khách hàng đủ tiêu chuẩn, và quan trọng là bắt đầu trích lập dự phòng cho các khoản nợ được cơ cấu lại dựa trên bản chất của các khoản vay.
NHNN cũng đề xuất kéo dài thời gian trích lập dự phòng cho các ngân hàng theo lộ trình kết thúc vào năm 2024.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lộ trình theo dự thảo thông tư là một trong những kịch bản tốt nhất, giúp giảm bớt áp lực tăng chi phí dự phòng và cho các ngân hàng thời gian xử lý nợ xấu.
VDSC đánh giá các ngân hàng thận trọng trong trích lập cho rủi ro tín dụng vào năm 2020 sẽ ít gặp áp lực hơn. Trong khi đó, đối với các ngân hàng có tỷ lệ chi phí tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp và nợ tái cơ cấu đáng kể sẽ tiếp tục chịu chi phí dự phòng tăng mạnh.
Đồng quan điểm, SSI Research cũng cho rằng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là yếu tố tạo nên sự phân hóa triển vọng ngân hàng. Đối với các nhà băng đã tích cực trích lập dự phòng trong năm 2020, chi phí tín dụng giảm có thể thúc đẩy lợi nhuận năm 2021.
Thu nhập ngoài lãi cũng sẽ diễn biến tích cực nhờ nguồn thu từ hoạt động phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance) sau hàng loạt thỏa thuận hợp tác được ký kết trong năm 2020 với những khoản phí trả trước lên tới hàng trăm triệu USD.
Nghị định của Chính phủ có nêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữa nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) là dưới 5%.