Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TPHCM (HoREA), thị trường bất động sản hiện nay đang rất khó khăn. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề nghị, doanh nghiệp thậm chí sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ sức đầu tư tiếp để có thể cơ cấu lại, tái cấu trúc lại doanh nghiệp…
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Một số khu vực thanh khoản gần như đã rơi vào tình trạng “đóng băng”. Trên thị trường bất động sản đang tràn lan các sản phẩm bất động sản giảm giá, cắt lỗ nhưng người bán vẫn chật vật tìm khách mua suốt một thời gian dài.
Sáng nay (13/1), tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, nhiều vị khách mời là nhà quản lý, chuyên gia đã có những trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, nút thắt cần tháo gỡ cũng như xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản năm 2023.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TPHCM (HoREA), thị trường bất động sản hiện nay đang rất khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, các dự án bất động sản. Tiếp đó là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp.
Cũng theo ông Châu, không chỉ thiếu hụt nguồn cung, cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản lại phát triển mất cân đối. Nhà ở mà đa số người dân đang rất cần là nhà có giá vừa túi tiền, mức giá khoảng từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống hoặc nhà ở xã hội nhưng cả 2 loại này đang rất thiếu.
“Ở TPHCM, năm 2020 chỉ có 1% nhà ở là giá vừa túi tiền. Năm 2021 đến nay, không có nhà ở thương mại nào có giá vừa túi tiền và nhiều đô thị cũng mất cân đối”, ông Châu nhấn mạnh.
Hiệp hội cũng rất mong nhà đầu tư, người mua nhà cùng hợp lực với nhau để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản chứ không chỉ đứng từ góc độ Nhà nước, doanh nghiệp. Cả nhà đầu tư, khách hàng mua nhà cùng tham gia hợp tác với nhau theo tinh thần tìm điểm cân bằng về lợi ích giữa các bên.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng – cho biết, thực chất của thị trường bất động sản hiện nay như pháp lý, vốn, luật, cung – cầu đối với dự án nhà ở bình dân. “Chính phủ và Bộ Xây dựng đã chỉ đạo chưa, các cấp các ngành đã chỉ đạo về việc lập quy hoạch để đảm bảo kết nối dự án thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hay chưa? Chúng ta phải xem xét lại những giải pháp trước đây đã làm được gì và hiện nay còn tồn tại vấn đề gì để giải quyết tiếp”, ông Hùng nêu.
Về vấn đề thiếu vốn, ông Hùng cho rằng, vừa rồi có giai đoạn các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn bằng trái phiếu. Khi đó áp lực vốn tín dụng với ngân hàng rất lớn. Như vậy, khi thị trường vốn cân bằng với thị trường tiền tệ thì các doanh nghiệp hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi thị trường vốn có vấn đề, huy động khó khăn hơn sẽ dồn tất cả vào thị trường tiền tệ là không hợp lý. Vì bản chất thị trường tiền tệ là cho vay bổ sung vốn, cả vốn trung dài hạn và vốn ngắn hạn.
Cũng tại tọa đàm này, ông Vương Duy Dũng – Cục Phó Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) – cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ có một loạt công điện chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng có những cuộc họp để gặp gỡ, làm việc, lắng nghe các doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại TPHCM và Hà Nội. Sau đó, Thủ tướng có Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại địa phương và các doanh nghiệp.
“Trong 2 tuần sau đó, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và làm việc với khoảng 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, Tổ làm việc và trao đổi trực tiếp với đại diện của các hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính bất động sản. Qua đó, Tổ công tác cũng như các bộ, ngành đã nắm bắt được đầy đủ, cụ thể, rõ ràng thị trường bất động sản trên thực tế và các báo cáo Thủ tướng”, ông Dũng thông tin.
Ngoài ra, theo ông Châu, tình trạng thiếu tiền mặt của doanh nghiệp đang tạo ra những vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là giao dịch trên thị trường bất động sản bị sụt giảm, thậm chí không có giao dịch nên không huy động được nguồn vốn của khách hàng.
“Chẳng những doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Có những hoàn cảnh trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp động tín dụng rồi nhưng dừng giải ngân khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều gặp khó khăn lớn”, ông Châu nhấn mạnh.
Tổng Hợp
(Dân Trí)