Trong báo cáo gửi Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX), tập đoàn có trụ sở tại Thượng Hải này cho biết mình không có khả năng trả khoản nợ trái phiếu 250 triệu USD đến hạn vào ngày 18/10 tới đây. Theo Bloomberg, Sinic Holdings vừa trở thành doanh nghiệp BĐS mới nhất của Trung Quốc cảnh báo nguy cơ vỡ nợ đang đến rất gần.
Số liệu của Bloomberg cho thấy tổng dư nợ trái phiếu bằng USD của Sinic là 694 triệu USD. Trong tháng 9, tập đoàn này đã không thể trả được khoản trái phiếu nhân dân tệ (NDT) đến hạn, châm ngòi cho phiên bán tháo làm giá cổ phiếu lao dốc 87%.
Tình cảnh hiểm nghèo của Sinic là dấu hiệu mới nhất về những rủi ro mà các tập đoàn bất động sản và nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt giữa lúc tương lai của “bom nợ” Evergrande còn rất bấp bênh.
Trong ngày 23/9 và 29/9, Evergrande đã không thể thanh toán các khoản lãi trái phiếu đến hạn với tổng giá trị 131 triệu USD. Ngày 11/10 vừa qua, tập đoàn này lại tiếp tục trễ hẹn thanh toán 148 triệu USD đối với ba lô trái phiếu đáo hạn vào các năm 2022, 2023 và 2024. Evergrande có thời gian ân hạn 30 ngày nên đến 23/10 tới đây, tập đoàn này mới có thể bị tuyên bố vỡ nợ. Tuần trước, một tập đoàn bất động sản khác là Fantasia bất ngờ không thanh toán nợ đến hạn, càng làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của các công ty nặng nợ trong ngành địa ốc Trung Quốc.
Chi phí đi vay bằng trái phiếu rác (mà bên phát hành chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản) đã tăng vọt trong thời gian gần đây và lên mức cao nhất trong một thập kỷ, lợi suất có lúc chạm 17,5%. Các doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro tái cấp vốn rất lớn, tức là không thể đi vay nợ mới để có nguồn tiền trả nợ cũ. Số liệu của Bloomberg cho thấy, trong số 175 tỷ nhân dân tệ (tức 27,1 tỷ USD) trái phiếu nội tệ vỡ nợ từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 36%.
4 năm sau khi tranh giành ngôi vị người giàu nhất châu Á với Jack Ma, gia sản của ông Hui Ka Yan, Chủ tịch Evergrande đang trên đà lao dốc và đế chế bất động sản khổng lồ bên bờ vực sụp đổ. Trong những lần gặp rắc rối trước kia, ông Hui dựa vào sự giúp đỡ của những người bạn tài phiệt và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Lần này, có vẻ như ông chỉ còn lại một mình. Ông Desmond Shum, tác giả cuốn sách “Red Roulette” kể về quá trình giao du với giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc, nhận xét: “Không ai thu được lợi ích trong việc giải cứu ông Hui. Trong tình thế hiện nay, tôi không nghĩ bất kỳ mối quan hệ chính trị nào sẽ dang tay ra cứu ông ấy”.
Điều gì sẽ xảy ra với ông Hui là câu hỏi vẫn chờ được trả lời. Lãnh đạo của những công ty thất bại khác đã phải chịu số phận thê thảm, từ bị bắt giữ cho đến tử hình. Những người bạn lâu năm của ông Hui cũng đang mất kiên nhẫn. Chinese Estates Holdings, công ty của trùm bất động sản Joseph Lau, cho biết có thể thoái sạch vốn khỏi Evergrande.
Ông Hui thành lập Evergrande vào năm 1996 tại thành phố Quảng Châu. Trong những năm tiếp theo, ông biến Evergrande thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất đất nước. Không chỉ dừng lại ở nhà đất, ông Hui còn vươn tới sở hữu các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, công ty sản xuất nước đóng chai, giải trí trực tuyến, ngân hàng và bảo hiểm.
Ông Hui đảm bảo rằng các doanh nghiệp trong đế chế Evergrande phù hợp với ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình – từ việc đưa đất nước trở thành người dẫn đầu công nghệ toàn cầu cho đến chiến thắng tại World Cup. Ông Hui là thành viên của Ủy ban Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, tư vấn cho chính phủ về chính sách. Năm 2018, ông được đưa vào danh sách 100 doanh nhân xuất sắc toàn quốc. Ông Hui nhấn mạnh hàng triệu việc làm mà công ty tạo ra và hàng tỷ nhân dân tệ nộp thuế. Ông nổi danh là nhà từ thiện hào phóng, đứng đầu danh sách của Forbes về những người quyên góp nhiều nhất tại Trung Quốc.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)