Lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu công nghiệp là một trong những mảng sáng hiếm hoi trong bức tranh màu xám của nền kinh tế dưới tác động của COVID-19. Hầu hết các doanh nghiệp ở lĩnh vực này vẫn bảo vệ được lợi nhuận, thậm chí là tăng trưởng.
Nếu như ở năm ngoái, chiến tranh thương mại là yếu tố mở ra làn sóng dịch chuyển sản xuất thì năm nay, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các nhà sản xuất càng có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc mạnh mẽ hơn, tránh phụ thuộc vào quốc gia này.
Trong khi đó, Việt Nam với vị trí gần kề nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chi phí tương đối rẻ nên có nhiều tiềm năng để phát triển. Thậm chí giữa đại dịch COVID-19, bất động sản (BĐS) khu công nghiệp là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp và khu kinh tế cả nước thu hút 335 dự án đầu tư nước ngoài, tổng số vốn đăng kí mới và tăng thêm khoảng 6 tỉ USD. Dòng vốn này đã giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cho thuê khu công nghiệp gia tăng nguồn thu.
DN bất động sản khu công nghiệp vẫn ăn nên làm ra trong cơn bão COVID-19
Thống kê kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết cho thấy, phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp đều tăng trưởng trong quí II và 6 tháng đầu năm, thậm chí nguồn thu từ cho thuê đất tăng đột biến so với cùng kì.
Cụ thể, CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) lãi gần 72 tỉ đồng trong quí II và 125 tỉ đồng trong nửa đầu năm, lần lượt tăng 134% và 156% so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó, công ty ghi nhận doanh thu tăng mạnh ở mảng cho thuế đất và phí quản lí; còn các mảng khác vẫn duy trì như cùng kì.
Ở CTCP Long Hậu (Mã: LHG), kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây dựng sẵn theo yêu cầu tăng trưởng.
Cụ thể, công ty lãi gần 44% trong quí II và lãi 107 tỉ đồng trong hai quí đầu năm. Con số này lần lượt tăng 81% và 35% so với cùng kì năm ngoái. Theo đó, Long Hậu tiến sát mục tiêu kế hoạch kinh doanh cả năm đã đề ra.
Dù chưa công bố BCTC chính thức nhưng theo ước tính của lãnh đạo Tổng công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của công đạt 417 tỉ đồng, ứng với 56% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo lãnh đạo Viglacera, mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh chung, trong khi các mảng còn lại vẫn duy trì ổn định.
Ngoại lệ, vẫn có một số doanh nghiệp lãi lớn và tăng trưởng nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh chính, điển hình như CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (Mã: D2D), dù nằm trong số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao nhất.
BCTC quí II/2020 của D2D cho thấy, công ty có 88 tỉ đồng doanh thu tài chính trong quí, phần lớn đến từ lãi tiền gửi và cho vay, qua đó lợi nhuận chung trong quí đạt trên 101 tỉ đồng, tăng 130% so với cùng kì năm ngoái.
Tương tự cho kết quả kinh doanh nửa đầu năm, lợi nhuận D2D tăng trưởng 80% khi đạt hơn 150 tỉ đồng. Riêng nguồn thu từ hoạt động tài chính đóng góp hơn 100 tỉ đồng.
Hay như trường hợp CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP), lợi nhuận quí II tăng 22% lên gần 33 tỉ đồng do chuyển nhượng Dự án Tín Khải. Theo đó trong nửa đầu năm, lợi nhuận của công ty nhích nhẹ 2% lên xấp xỉ 49 tỉ đồng.
Ngược với kết quả kinh doanh tích cực trên, CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) là doanh nghiệp duy nhất giảm lãi trong quí II, tính đến thời điểm hiện tại.
Cụ thể, lợi nhuận trong quí của Nam Tân Uyên ghi nhận gần 60 tỉ đồng, giảm khoảng 1 tỉ đồng so với quí II/2019. BCTC của doanh nghiệp này cho thấy, doanh thu vẫn tăng nhẹ 6% nhưng giá vốn tăng cao hơn, dẫn đến lãi gộp co hẹp so với cùng kì.
Tuy nhiên, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, Nam Tân Uyên vẫn có kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận tăng nhẹ 6%, tương ứng đạt hơn 141 tỉ đồng.
Trong khi Nam Tân Uyên trên đà ăn nên làm ra, Cao Su Phước Hoà (PHR) cũng âm thầm hưởng lợi nhờ hoạt động chuyển nhượng đất cao su cho Nam Tân Uyên làm khu công nghiệp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PHR báo lãi ròng 556 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kì.