Tuy nguồn vốn đang khó khăn, nhưng theo TS Đinh Thế Hiển xu thế thâm dụng vốn đang tăng trở lại ở nhiều ngành kinh tế Việt Nam từ 2018 đến nay. Có nghĩa là doanh nghiệp cần sử dụng nhiều vốn hơn mới tăng trưởng được.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP tăng nhanh trong 5 năm gần đây, từ mức 122% năm 2016 lên mức mức 140% hiện nay. Tăng trưởng GDP cũng chưa tương xứng với mức tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù, tín dụng đang hạn chế vào bất động sản, nhưng ngành này vẫn nhận được nhiều vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 280.641 tỷ đồng, trong đó, nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm cao nhất, gần 41%. Nhà đầu tư trái phiếu là ngân hàng chiếm lớn nhất, hơn 46%.
“Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng tín dụng cho công ty bất động sản sẽ càng tăng thâm dụng vốn. Vốn tín dụng cung ứng cho ngành bất động sản đã nhiều hơn mức cần thiết và nhiều hơn các ngành khác”, ông Hiển nói.
Giá bất động sản cũng tăng liên tục từ năm 2015 -2021, giá tăng cũng khiến tín dụng tăng theo vì nhu cầu vay vốn tăng để mua khi giá tăng… Tốc độ tăng tiền của người vay tăng nhanh, nhưng tín dụng vẫn chỉ tăng 12-14% khiến ngân hàng hụt vốn…
Phân tích cho từng ngành của những công ty niếm yết, ông Hiển thống kê được tỷ lệ nợ và tổng vốn tăng nhanh hơn doanh thu; doanh nghiệp bất động sản có mức thâm dụng vốn nhiều nhất.
Nếu như năm 2016, ở các doanh nghiệp niêm yết lớn có mức nợ vay chỉ bằng 59% so với tổng nguồn vốn thì năm 2021 nợ vay có giảm và ở mức 54%, nhưng nợ lại tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 khiến chỉ số này tăng lên 57%.
Nợ tăng, doanh thu giảm trong những năm gần đây khiến vốn bị đọng lại. Chỉ tiêu vốn so với doanh thu tăng vọt lên mức 120% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 122% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với mức 83% của năm 2016. Có thể thấy, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp đang khó khăn.
Đối với ngành công nghiệp, các doanh nghiệp này cũng có xu hướng thâm dụng vốn gia tăng nhưng nợ vay lại không được tăng lên.
Điều này thể hiện ở nguồn thu liên tục sụt giảm, vốn liên tục vượt nguồn thu kiếm được. Cụ thể, năm 2016 tổng vốn thấp hơn doanh thu và chỉ bằng 94%, nhưng năm 2019 vốn gấp 1,29 lần doanh thu, 6 tháng đầu năm 2022 tăng vọt và gấp 1,6 lần doanh thu.
Doanh thu giảm cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ vay. Nếu như năm 2016, nợ ở mức 65% nguồn vốn thì con số này lại giảm qua các năm và chỉ còn 42-45% của năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.
Đối với ngành hàng tiêu dùng và thương mại dịch vụ có kết cấu vốn ổn định và tích cực hơn khi doanh thu tăng hơn tổng tài sản. Điều này cũng do đặc thù của ngành tiêu dùng, đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hàng tiêu dùng thiết yếu không bị ảnh hưởng nhiều khiến doanh thu của ngành hàng tiêu dùng tăng trưởng tốt so với các ngành khác.
Nếu như năm 2016, những doanh nghiệp này vay nợ thấp ,chỉ ở mức 47% so với tổng vốn, thì những năm tiếp theo ổn định ở mức 51%. Do bán được hàng, đặc biệt 6 tháng đầu năm nay, sức mua tăng trở lại nên doanh thu tăng, vốn chỉ bằng 47% doanh thu, tích cực nhất trong 5 năm qua.
Đặc biệt, ông Hiển lưu ý đối với ngành bất động sản và xây dựng niêm yết, từ năm 2018, rủi ro tài chính gia tăng khi tỷ lệ nợ tăng nhanh và năm 2021 đã ở ngưỡng rủi ro.
Nếu như năm 2016 -2019, nợ chỉ chiếm 65% nguồn vốn, thì năm 2021, con số này đã tăng lên 70% và 6 tháng đầu năm 2022 là 73%.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, ngay cả doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng gặp khó do bị thu hẹp vốn lưu động và cũng rất khó khăn trong vay vốn để đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với phá sản, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và bất động sản. Điều này khiến cho doanh nghiệp vững tài chính vẫn có thể gặp rủi ro từ tác động dây chuyền do đứt thanh toán trong chuỗi cung ứng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cho biết, doanh nghiệp nhỏ chỉ cần được “bơm vốn” 2-3 tỷ đồng là có thể phục hồi. Nhưng vì không vay được vốn ngân hàng, ngay cả gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng khó tiếp cận, khiến hậu bùng phát dịch Covid-19, những doanh nghiệp nhỏ và vừa rời khỏi thị trường rất nhiều, chủ yếu là do hết vốn.
Ông Hưng cho biết thêm, ngay như chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp khoẻ mới “kết nối” được, không phải doanh nghiệp nào cũng được vay ưu đãi từ chương trình này. Còn gói hỗ trợ lãi suất 2%, ngân hàng cũng không muốn tham gia, vì họ còn e ngại khi trước đó năm 2009, gói hỗ trợ lãi suất 4% đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong.
Tổng Hợp