Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch.
rước đó, từ 1/6, FLC bị hạn chế giao dịch và (chỉ được mua bán vào phiên chiều) vì doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Ngày 16/8, HoSE đã cảnh báo khả năng cổ phiếu FLC bị đình giao dịch nếu công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và đề nghị công ty có văn bản giải trình về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cũng như việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.
Hiện nay, FLC vẫn chưa hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán 2021, đồng thời chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022.
Kết phiên hôm nay 31/8, giá cổ phiếu FLC giảm nhẹ xuống 4.000 đồng/cổ phiếu. Cũng từ hôm nay 31/8, 2 cổ phiếu nhóm FLC vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Đó là ART của CTCP Chứng khoán BOS và KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS. Trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã cắt margin với các cổ phiếu FLC. Như vậy, 6/7 mã “họ” FLC đã bị cắt margin.
Theo HoSE, FLC bị đình chỉ giao dịch vì doanh nghiệp tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ ( theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam).
Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận sự việc chấn động khi Cơ quan điều tra Bộ Công an công bố thông tin FLC Faros ‘thổi’ vốn điều lệ ảo từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trong 2 năm, sau đó niêm yết, tiếp tục đẩy giá cổ phiếu, chiếm đoạt tiền 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư. Ngoài cú lừa lịch sử do đại gia trên sàn chứng khoán – Trịnh Văn Quyết đạo diễn nêu trên, thì thị trường cũng từng xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp niêm yết lùm xùm tăng vốn ảo, nhưng ở quy mô nhỏ như: tại Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA), CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB).
Trong số này, có doanh nghiệp tăng vốn trước niêm yết, có trường hợp thực hiện khi đã là công ty đại chúng, nhưng đều có mục đích “xé giấy lấy tiền”. Giới đầu tư không khỏi băn khoăn, quy trình quản lý, thanh tra, giám sát, luật chuyên ngành liệu có khoảng hở cho doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm, sau thời gian mới bị phát hiện, xử lý.
Với vụ Faros tăng vốn ảo vừa được cơ quan điều tra phanh phui, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) giải thích, sự việc xảy ra trước khi doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc này không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của UBCKNN, Bộ Tài chính.
Tổng Hợp