Trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng phục hồi, nhưng đà tăng có dấu hiệu chậm lại trong tháng 6 khi dịch Covid-19 lan rộng. Một số ngân hàng đã được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room), song dịch bệnh Covid-19 có thể khiến nhu cầu vay vốn suy giảm và nợ xấu gia tăng.
Các ngân hàng đang có động thái giảm lãi suất cho vay, đồng thời kỳ vọng được nới room, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mùa cao điểm cuối năm, song tác động của dịch bệnh được nhận định vẫn khó lường.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Sau hơn 1 tuần cam kết với Ngân hàng Nhà nước, hiện nhiều ngân hàng đã giảm lãi vay như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, ACB, Sacombank, TPBank, VIB, MSB, VietCapitalBank, VPBank…, với mức giảm 1 – 2% điểm phần trăm cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, lãi suất huy động không thay đổi, dự kiến duy trì mặt bằng thấp trong thời gian tới. Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm kỳ vọng sẽ giúp tín dụng tăng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, trong nửa cuối năm, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chia sẻ khó khăn cùng khách hàng bị tác động bởi làn sóng Covid-19 thứ tư. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay là 6%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,5%.
Thực tế, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã thực hiện vượt mức tăng trưởng tín dụng chung của ngành, sử dụng gần hết chỉ tiêu được giao như Vietcombank tăng 9%, Techcombank tăng 11,2%, MB tăng 10,5%… Trước đó, đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối gồm Agribank, BIDV, VietinBank từ 6,5 – 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%; MB, VPBank, Techcombank được cấp chỉ tiêu tín dụng từ 10,5 – 12%. Các ngân hàng còn lại như VIB, ACB, Sacombank có room dao động trong khoảng 8,5 – 9,5%.
Nửa cuối năm thường được xem là mùa vụ cao điểm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng tình hình năm nay dự kiến sẽ kém khả quan, bởi khách hàng đang phải đối mặt với khó khăn vì Covid-19. Không ít nhà máy phải tạm thời đóng cửa, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị “tê liệt”, nhất là ở khu vực TP.HCM khi đang phải thực hiện giãn cách xã hội dài ngày nhằm kiểm soát dịch bệnh. Vả lại, sức khỏe doanh nghiệp yếu dần do ảnh hưởng bởi dịch bệnh là rào cản lớn trong việc tiếp cận khoản vay mới, do khó đáp ứng được điều kiện tín dụng. Trong khi đó, các ngân hàng kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế nợ xấu vốn đang có dấu hiệu gia tăng.
Vì thế, dù tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế nửa đầu năm nay ở mức cao khi đạt 5,47% tính đến ngày 21/6, nhưng do ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ tư, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp đang chậm lại. Theo đó, nhiều ngân hàng giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước vừa qua cho thấy, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong cả năm 2021, thấp hơn mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra trước, vì lo ngại tác động khó lường của dịch Covid-19 trong nửa cuối năm 2021.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, các khoản vay mới vẫn đang được mở rộng, nhưng tốc độ chậm hơn so với tháng trước do dịch Covid-19 bùng phát. Trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng số lượng khách hàng được cơ cấu lại nợ hoặc hỗ trợ trả nợ/lãi hiện không thay đổi nhiều so với đầu tháng 4/2021. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 14/6, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng, với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng, với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/1/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước đợt dịch lần thứ nhất, doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng, với dư nợ 4.472 tỷ đồng và cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng, số tiền 113.710 tỷ đồng.
Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2021 khá mạnh, nếu các ngân hàng được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì mức tăng có thể đạt 6%. Vừa qua, một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nới room và cơ quan này đang xem xét đề xuất nới room của không ít ngân hàng khác, với quan điểm đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2021. SSI kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III, hoặc đầu quý IV. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới khoảng 11%, cao hơn mức dự báo 9% theo hạn mức lần đầu.
Tĩnh Kiên