HoREA lại kiến nghị ngân hàng nhà nước tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của NHNN cho thấy tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng đạt mức tăng trưởng 12,31% cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%.
Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản chỉ là 786.000 tỷ đồng chỉ đạt mức tăng trưởng 8,4% thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế 9,35%, đã cho thấy rõ trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây…
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng nhấn mạnh, động thái kiểm soát và thắt chặt vốn tín dụng này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
HoREA cũng đề nghị NHNN cho phép ngân hàng thương mại được cho khách hàng vay “để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba”, hoặc cho vay “để góp vốn, hợp tác đầu tư”, hoặc “cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, trong đó có xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà” trong trường hợp “khách hàng có tài sản bảo đảm cho khoản vay”.
“Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, HoREA kiến nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây. Trong đó, xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng nhóm Big 4 và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, tiếp tục nhấn mạnh chính sách tín dụng là một công cụ rất hiệu quả để điều tiết nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách để phục hồi và tái phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19 thì các chính sách tín dụng là cực kỳ quan trọng.
Cụ thể, HoREA kiến nghị NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả.
“Dòng tiền đầu tiên của thị trường bất động sản cần là nguồn vốn tín dụng, được xem là bà đỡ của cộng đồng doanh nghiệp địa ốc hiện nay. Thống kê của hiệp hội cho thấy có đến 80-85% doanh nghiệp cần đến nguồn vốn tín dụng này.
Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 39 mới đây, NHNN sử dụng từ “kiểm soát” việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản và “kiểm soát” việc cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn.
Việc dùng khái niệm kiểm soát ở mức độ mạnh đã dẫn đến luồng dư luận cho là NHNN định hướng thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả cho vay để mua bất động sản cao cấp do đây là khoản vay có giá trị lớn.
Diễn biến này có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng e ngại hoặc không dám cho vay đối với doanh nghiệp địa ốc. Nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở cũng khó tiếp cận vốn tín dụng”, ông Châu nói.
Tổng Hợp