Thực tế cho thấy, cơn sốt đất nền xảy ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều nhà đầu tư chỉ sau một đêm đã nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Cho đến hiện tại, giao dịch đất nền có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định kịch bản vỡ “bong bóng” BĐS như trước đây sẽ khó xảy ra.
Nhận định về diễn biến thị trường BĐS quý II/2021, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng đất nền tỉnh, vùng ven thành phố lớn vẫn sẽ là sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm. Dù thời điểm thị trường “nóng sốt” đã đi qua nhưng nhu cầu của nhà đầu tư vẫn rất mạnh và họ có xu hướng tìm kiếm sản phẩm an toàn.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia khẳng định, mức giá đất nền tại các tỉnh sẽ khó giảm mạnh. Nguyên nhân bởi hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường đều có tiềm lực tài chính nên không có chuyện cắt lỗ. Trong thời gian ngắn tới, thị trường tiếp tục được thiết lập và giao dịch sẽ sôi động. Đặc biệt, các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro, lãi suất ngân hàng thấp là nhân tố quan trọng khiến đất nền là kênh đầu tư luôn giữ được “lửa”. Thực tế, dòng tiền đang ùn ùn đổ vào BĐS do dịch bệnh bùng phát, đa phần ngành nghề phát triển chậm, lãi suất ngân hàng thấp, nên nhiều người tìm đến đất đai và nhà ở như một xu hướng đầu tư an toàn. Giới chuyên môn cho rằng, đất nền tiếp tục là kênh đầu tư sinh lời bền vững, có biên độ tăng giá tốt đối với các nhà đầu tư trong dài hạn, cũng như, các sản phẩm có pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn thiện luôn được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.
Hấp dẫn là vậy, nhưng không phải đầu tư ở khu vực nào hay dự án nào cũng thành công. Rủi ro lớn nhất mà hầu hết các nhà đầu tư gặp phải hiện nay là dự đoán sai cân bằng cung – cầu, điều này gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, có thể khiến nhà đầu tư “sa lầy” và phá sản. Các nhà đầu tư không nên đầu tư theo phong trào mà cần tỉnh táo, có tầm nhìn dài hạn trong tương lai đối với khu vực muốn đầu tư, tránh tiền mất tật mang.
Cũng giống như trong quý đầu tiên trong năm nay, số lượng khu công nghiệp tại Tp.HCM và Hà Nội vẫn giữ nguyên trong quý vừa rồi, lần lượt là 18 và 9 khu công nghiệp. Giá chào thuê đất công nghiệp trung bình vẫn ở mức 175 USD/m2/kỳ tại Tp.HCM, tăng nhẹ so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 85%, tương đương với quý trước. Tại Hà Nội, giá chào thuê đất công nghiệp trung bình vẫn ở mức 140 USD/m2/kỳ và tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%.
Colliers Việt Nam vừa phát hành Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam quý 2/2021, chỉ ra tình hình hoạt động thị trường ở các phân khúc BĐS tại các thành phố Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng. Đơn vị này chỉ ra, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ được sức bền mạnh mẽ và có nhiều dấu hiệu lạc quan trong quý 2/2021. Cụ thể, GDP quý 2/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn so với mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn mức tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Vốn đầu tư nước ngoài tuy giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung vẫn rất tích cực. Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 2 năm 2021 ước tính đạt 51 tỷ USD, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc BĐS văn phòng ghi nhận không có nguồn cung mới được ghi nhận trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai hứa hẹn dồi dào, riêng Tp.HCM dự kiến hơn 55,000 m2 sàn văn phòng mới sẽ được sử dụng trong năm nay. Giá thuê ở cả ba thị trường Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng có xu hướng giảm nhẹ do tác động của đại dịch Covid-19. Để thích ứng với những diễn biến khó lường của đại dịch, nhiều mô hình văn phòng mới, linh động và độc đáo đã được các đơn vị vận hành đưa ra. Với phân khúc BĐS bán lẻ, nguồn cung mới cũng hoàn toàn vắng bóng tại ba thành phố lớn. Tại Tp.HCM, trong khu vực trung tâm, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15%, trong khi ở các khu vực còn lại mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Tại Hà Nội, chỉ số này cũng giảm ở khu vực trung tâm và các khu vực còn lại, tương ứng là 10% và 25%. Tuy nhiên, quý vừa rồi cũng ghi nhận nhiều thương vụ lớn, góp phần cải thiện tâm lý cho thị trường. Đáng chú ý là thông tin về khoản đầu tư 400 triệu USD từ Alibaba và Baring Private Equity Asia vào The CrownX, một công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Masan, để vận hành chuỗi siêu thị VinMart. Nhiều mô hình bán lẻ cũng đã được áp dụng và cải tiến, chẳng hạn như việc Masan đã mua 20% cổ phần của Phúc Long và VinCommerce đã ký kết hợp tác chiến lược với Phúc Long để cùng phát triển Ki-ốt Phúc Long tại hơn 2.200 cửa hàng VinMart + trên toàn quốc.
Nếu như nguồn cung phân khúc căn hộ trong quý 2 tại Tp.HCM đa phần đến từ quận ngoài trung tâm thì tại Hà Nội, hầu hết nguồn cung mới cho quý 2/ 2021 đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án phát triển hiện có. Để thích ứng với các thách thức vì đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều chủ đầu tư đã nhạy bén tận dụng công nghệ để tạo sự khác biệt và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Cương Nguyễn