Đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm của UBND TP Cần Thơ đang tạo ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại việc này gây tác động tiêu cực cho ngân hàng, nền kinh tế. Cũng có ý kiến đồng tình nhưng nên xem xét mức thuế là bao nhiêu là phù hợp.
Lo tiền sẽ rút khỏi ngân hàng
Theo quy định hiện hành, cá nhân nhận lãi từ các khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được miễn thuế. Vì vậy, đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiền gửi khiến nhiều người “sốc”. Bởi nếu đánh thuế đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Nêu quan điểm về đề xuất trên, TS Cấn Văn Lực bày tỏ với báo chí, tiền gửi tiết kiệm là nguồn thu nhập quan trọng của người dân, đa số ở mức trung bình và thấp. Nếu áp dụng thuế này có thể gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi lẽ, lãi tiền gửi tiết kiệm nếu bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm. Khi đó, lãi suất cho vay có thể sẽ bị đẩy lên, tác động tới doanh nghiệp.
Ông Lực cho rằng việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước phát triển là bình thường nhưng Việt Nam hiện tại thì chưa nên đặt ra. Sau này, nếu đánh thuế thì cần xác định đối tượng, ngưỡng đánh thuế và chỉ áp dụng đối với người có thu nhập cao. Do đó, nên tính đến thuế khác để chống đầu cơ, như thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế thương mại điện tử.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khẳng định nguồn tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn chính của các ngân hàng và nền kinh tế, từ đó có nguồn vốn cho vay ra thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò trụ cột. Vì vậy, đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm có thể khiến nhiều người giảm gửi tiền vào ngân hàng mà có xu hướng nắm giữ USD hoặc vàng. Khi đó, dòng vốn sẽ bị đọng thay vì luân chuyển ra nền kinh tế.
Chuyên gia tài chính, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm về vấn đề này trên VietNamNet, có nhiều lý do không nên đánh thuế TNCN từ tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang rất thấp. Thứ hai, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Với số tiền tích luỹ được để gửi vào ngân hàng như hiện nay, nếu tính đến yếu tố lạm phát, số tiền lãi nhận được của người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.
“Việc người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không “bõ” và cũng không đáng”, ông Thịnh phân tịch.
Nhiều chuyên viên ngân hàng lo ngại nếu đánh thuế lãi suất tiết kiệm, người gửi tiền vào ngân hàng sẽ suy giảm. Tiền tiết kiệm từ ngân hàng sẽ được người dân rút ra để đầu tư vào các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, những sản phẩm mang tính đầu cơ cao. Như vậy, sẽ tác động rất xấu đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, chống đô la hoá nền kinh tế, cũng như mục tiêu về một nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo một số ngân hàng nhìn nhận đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lãi suất tiết kiệm sẽ bị phản đối cả từ ngân hàng lẫn người gửi tiền.
Lý do là ngân hàng đang rất cần huy động tiền gửi của khách hàng cá nhân vào hệ thống để các nhà băng có nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Hiện lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân đang chiếm tỷ trọng vô cùng lớn trong các ngân hàng, có ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân có thể lên đến 70-80% tổng nguồn vốn huy động của mình.
Nếu tiền gửi của người dân phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì có nguy cơ dòng tiền này sẽ chạy sang những kênh như vàng, bất động sản… Một khi lượng tiền gửi của cư dân sụt giảm thì các ngân hàng thương mại sẽ phải lao vào cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, điều này kéo theo lãi suất cho vay tăng và người đi vay vẫn là đối tượng phải chịu tác động mạnh nhất.
Khi sử dụng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng để đầu tư, kinh doanh thì bản thân các ngân hàng đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nói cách khác tất cả những hoạt động đầu tư kinh doanh có sinh lời thì các bên liên quan đều đã đóng góp thuế cho nhà nước.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Thúy Anh đánh giá, những người chọn kênh đầu tư bằng việc gửi tiết kiệm là những người hướng đến sự đầu tư an toàn, ít rủi ro. Nếu tiền gửi của người dân phải chịu thuế TNCN thì có nguy cơ dòng tiền này sẽ chạy sang những kênh như vàng, USD hay bất động sản…
Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự nêu ý kiến trên Diễn đàn Doanh nghiệp rằng, đề xuất này không khả thi vì không hợp lý.
Theo bà Nhung, bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Nhưng không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác.
Theo đó, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm thì người dân chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… Do vậy, việc đánh thuế này sẽ có nguy cơ khiến nguồn tiền từ huy động vốn sẽ bị giảm đi.
Nên nghiên cứu để phù hợp với thực tiễn
Đề xuất này của UBND TP Cần Thơ không mới. Bởi từ năm 2005, khi đang trong quá trình xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế cho Pháp lệnh Thuế thu nhập với người có thu nhập cao, việc có hay không đánh thuế với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm đã được đề cập.
Song tại thời điểm xây dựng luật cũng như thời điểm sửa luật năm 2017, đa phần ý kiến vẫn cho rằng không đánh thuế với thu nhập từ các hình thức gửi tiền tiết kiệm nhằm khuyến khích người dân gửi tiền, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn của các ngân hàng phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ cũng luôn chủ trương khuyến khích người dân tham gia và cam kết không đánh thuế thu nhập với loại hình này.

Vài năm trước, từng có ý kiến đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng, cụ thể là những khoản lãi lớn hoặc khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên… Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải những ý kiến trái phiếu.
TS. Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính – Đại học Kinh tế TP.HCM, bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của UBND TP Cần Thơ. Ông Đạt dẫn chứng ở nhiều quốc gia phát triển, lãi suất tiền gửi ngân hàng được tính vào tổng thu nhập để xác định thuế, vì đây cũng được coi là một nguồn thu nhập. Theo đó, mọi cá nhân có thu nhập đều phải nộp thuế, không phân biệt quy mô tiền gửi, nhằm bảo đảm công bằng.
Vì vậy, ông Chí cho rằng, về lâu dài, Nhà nước cần thu thập toàn bộ thu nhập của mỗi cá nhân, bao gồm cả lãi tiền gửi ngân hàng và tích hợp vào căn cước công dân để có dữ liệu chính xác phục vụ việc tính thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết: Trên thế giới, có nhiều nước áp dụng thuế tài sản, tức là loại tài sản nào có khả năng “đẻ” ra tiền thì đều phải chịu thuế. Vì vậy, việc đánh thuế đối với lãi suất tiết kiệm hay không thì tùy thuộc vào quan điểm của nhà điều hành chứ không phải là điều gì quá bất thường.
Nhưng nếu đánh thuế thu nhập cá nhân thì mức thuế là bao nhiêu và một khi áp dụng chính sách này với kênh lãi suất tiết kiệm thì cũng cần phải áp dụng với kênh đầu tư sinh lời khác, như vàng. Bởi nếu chỉ đánh thuế với lãi suất tiền gửi tiết kiệm mà không áp dụng với vàng thì có nguy cơ người dân sẽ rút tiền gửi đi mua vàng.
Theo ông Huân, về dài hạn, khi thấy mang tiền đi đâu đầu tư và sinh lời cũng đều phải chịu thuế, dần dần người dân sẽ chấp nhận. Hiện Việt Nam mới chỉ thu thuế thu nhập cá nhân đối với kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán.
Cho nên, đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với tiền gửi tiết kiệm dù trên thế giới có một số quốc gia áp dụng nhưng để có thể áp dụng tại Việt Nam hay không cần nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện.
Trước các ý kiến trái chiều này, Bộ Tài chính cho biết định hướng của Nhà nước là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng là mở rộng cơ sở thuế, hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các sắc thuế.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đối tượng miễn giảm cần được nghiên cứu để phù hợp với chủ trương, thực tiễn và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.