Thông thường, tháng cuối năm là thời điểm thị trường địa ốc sôi động nhất, khi doanh nghiệp “chạy nước rút” ra hàng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm, còn người có nhu cầu ở hoặc đầu tư tranh thủ hiện thực hóa mục tiêu cuối năm. Đang mùa cao điểm kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp môi giới địa ốc nghỉ Tết sớm…
Mặc dù diễn biến nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng còn đối mặt với nhiều yếu tố bất động, song theo các chuyên gia, những nỗ lực của Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường thời gian qua mang lại sự kỳ vọng tích cực, bởi nhu cầu về bất động sản vẫn rất lớn và là kênh đầu tư được ưa chuộng khi có thể mang lại lợi nhuận ổn định trong dài hạn.
Hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid -19, cộng thêm “cú sốc” siết tín dụng bất động sản trong năm 2022, cho nên phần lớn doanh nghiệp địa ốc đã kiệt sức. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản đã cạn kiệt nguồn tài chính, buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực này có nguồn lực mỏng manh, nguồn thu chủ yếu đến từ phí môi giới (hoa hồng môi giới), nếu không bán được hàng thì sẽ không có nguồn thu, trong khi vẫn phải duy trì đều đặn việc “nuôi quân”, nên việc nguồn tài chính cạn dần là dễ hiểu.
Mà đâu chỉ các doanh nghiệp môi giới, ngay cả những nhà phát triển dự án lớn cũng rơi vào cảnh điêu đứng, khi gần đây, không ít doanh nghiệp xuất hiện tình trạng nợ lương, phải cắt giảm nhân sự, co cụm bộ máy để tiết giảm chi phí. Để có dòng tiền duy trì hoạt động, nhiều trường hợp phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao, cho dù đang sở hữu nhiều dự án khá lớn nhưng không thể triển khai, không thể bán hàng.
Năm nay, mọi kế hoạch dường như dừng lại, người mua nhà giữ tâm lý dè dặt, không xuống tiền, còn doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Trong thông báo mới nhất, Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc cho nhân viên nghỉ Tết từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023, tức sớm hơn thông thường gần 2 tháng.
Tương tự, Công ty DKRA Libra cho nhân viên nghỉ Tết Quý Mão trong 24 ngày, từ ngày 7/1 đến hết ngày 30/1/2023 (tức từ 16/12 đến ngày 9/1 Âm lịch). Công ty Bất động sản SG Holdings cũng thông báo nghỉ Tết sớm từ ngày 9/1/2023 (tức ngày 15/12 Âm lịch)… Đây không phải là những trường hợp cá biệt, mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khác, đặc biệt là doanh nghiệp môi giới, đều cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
“Làm doanh nghiệp môi giới với đội ngũ nhân viên bán hàng cả trăm người, nhưng gần 3 tháng qua không có được một giao dịch nào. Doanh nghiệp hầu như không có nguồn thu, trong khi chi phí dù tiết giảm hết cỡ cũng mất hơn cả tỷ đồng mỗi tháng”, tổng giám đốc một doanh nghiệp môi giới tại TP.HCM nói và cho biết thêm, thị trường bất động sản mất thanh khoản nên từ đầu tháng 10, doanh nghiệp đã phải cắt giảm gần 50% nhân sự để giảm chi phí và tới đầu tháng 12/2022 đóng cửa nghỉ Tết sớm.
Chia sẻ với VietNamNet, chủ một sàn giao dịch BĐS tại TP.Thủ Đức cho biết, công ty ông sẽ cho toàn bộ nhân viên bán hàng nghỉ Tết sau khi làm việc hết tháng 12. Vài tháng qua, công ty hoạt động cầm chừng vì hầu như không có giao dịch.
“Ngoài chi phí vận hành cố định, mỗi tháng công ty còn phải tốn nhiều kinh phí marketing nhưng không mang lại hiệu quả. Trước tình hình này, công ty buộc phải cắt giảm 50% nhân viên bán hàng. Dù không mong muốn nhưng phải tinh giản bộ máy để tồn tại trước đã”, vị này nói.
Thời gian qua, Chính phủ liên tục tổ chức những cuộc họp, những buổi gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe và bàn cách tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải và kết quả là Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1435/QĐ-TTg về việc thành lập tổ công tác rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả. Một trong những chỉ đạo là Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án bất động sản đủ điều kiện để hỗ trợ giải ngân tín dụng. Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nới thêm room tín dụng từ 1,5-2% trên toàn hệ thống ngân hàng.
Mới nhất, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, trong đó có một số nội dung quan trọng như hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm một năm; lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn sang năm 2024; kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm; lùi thời hạn áp dụng quy định về thời gian phân phối trái phiếu sau năm 2024…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Nguồn tín dụng bổ sung này sẽ tác động lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, từ đó giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, trong năm 2023, hành lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực bất động sản sẽ hoàn thiện hơn khi một loạt dự án luật sửa đổi liên quan dự kiến được thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… Hiện tại, các dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cho thấy sẽ có nhiều thay đổi lớn tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh bất động sản.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Vietnamnet)