Chiều 1/4, trước công bố của UBKTTW đã xác định, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành chứng khoán nhiệm kỳ 2015-2020 đã có những vi phạm nguyên trọng, khiến một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính; giảm niềm tin của các nhà đầu tư…
Bộ Tài chính cho biết, sẽ chờ tới khi nhận được văn bản chính thức sẽ tiến hành các bước xử lý. Theo đó, xử lý kỷ luật hình thức nào, tổ chức sẽ họp xem xét. Trước khi UBKTTW ra thông báo, VAFI từng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam không thể phụ thuộc vào năng lực yếu kém của vài người và đến khi bị sự cố như hiện nay, không thể nhanh chóng khắc phục.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI kiến nghị, Bộ Tài chính nên xem xét luân chuyển cán bộ với các nhân sự vừa bị UBKTTW nêu tên.
“Cần luân chuyển cán bộ để hoàn thiện bộ máy. Đề nghị Bộ trưởng Tài chính có giải pháp cụ thể. Bộ Tài chính có giải pháp gì để nâng cao công tác thanh tra, giám sát thị trường. Muốn thanh tra, giám sát thị trường tốt, cán bộ quản lý phải không có sai phạm; đã sai phạm quá nhiều thì không còn sức chiến đấu”, ông Hải nói.
Liên quan việc điều tra ông Trịnh Văn Quyết về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”; “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, ông Hải cũng đề nghị xem xét việc cổ phiếu FLC, ROS từng nằm trong danh mục VN30. Ngoài tiêu chí về thanh khoản, 2 cổ phiếu nhiều tai tiếng có lý do gì để lọt nhóm VN30.
Trên sàn HoSE, FLC từng được lựa chọn vào danh mục VN30 từ 2/2014. Còn ROS, dù thị giá rơi về mức “trà đá”, nhưng cổ phiếu này vẫn ở rổ VN30 hơn 3 năm. ROS là mã cổ phiếu từng làm mưa làm gió trên thị trường với tốc độ tăng trưởng phi mã và leo lên mức đỉnh gần 160.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh). Tuy vậy, cổ phiếu này lao dốc không phanh sau khi ông Quyết ồ ạt thoái vốn khỏi doanh nghiệp, năm 2020 có thời điểm chỉ hơn 2.000 đồng/cổ phiếu.
HoSE từng vinh danh FLC đóng góp tích cực cho TTCK năm 2015, tại Lễ kỷ niệm 15 năm hoạt động của HoSE, Tập đoàn FLC được tôn vinh vì những hoạt động tích cực cho Sở giao dịch chứng khoán cũng như TTCK Việt Nam. Năm 2016, HoSE vinh danh ông Trịnh Văn Quyết vì những đóng góp của cá nhân ông và tập đoàn FLC tới sự phát triển của HoSE.
Từ cuối năm 2020 tới 6/2021, điệp khúc nghẽn lệnh tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) thực sự gây ám ảnh các nhà đầu tư, buộc họ phải nghỉ giao dịch sớm, bất lực nhìn bảng điện đứng im. Thời điểm ấy, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE đưa ra giải pháp gây tranh cãi: “Nâng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lệnh giao dịch”.
Ông Trà còn cho rằng, nghẽn lệnh tại HoSE là “thực trạng bất khả kháng”. Khi hiện tượng quá tải vẫn chưa xử lý được dứt điểm, HoSE có giải pháp tăng thanh khoản bằng cách nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu để hạn chế lệnh vào. Quyết định này của HoSE chịu phản ứng trái chiều. Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) phản đối chủ trương, vì cho rằng nó đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ vào cổ phiếu rác, không chất lượng, do các mã bluechip trở nên đắt đỏ.
Tháng 7/2021, sau chiến dịch 100 ngày giải cứu nghẽn lệnh, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương báo cáo việc áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu như trước đây. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa có lộ trình rõ ràng về việc quay lại lô 10.
Hiện, HoSE vẫn đang sử dụng hệ thống do FPT cung cấp, trong khi “chờ” hệ thống của Hàn Quốc (KRX) đã lỗi hẹn cả thập kỷ.
Năm 2012, HoSE đã ký gói thầu xây dựng hệ thống mới với KRX trị giá 28,6 triệu USD (600 tỷ đồng). Hợp đồng có thời hạn 5 năm, kéo dài khoảng 18 tháng.
Dự kiến, quý 1/2015, sau khi hoàn tất thử nghiệm và nghiệm thu, hệ thống mới này sẽ được đưa vào hoạt động. Thế nhưng, thời điểm hệ thống KRX chính thức vận hành, vẫn bị bỏ ngỏ, dù ông Trà từng thông tin, khoảng cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2022, hệ thống mới sẽ đi vào vận hành.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Chủ tịch Trần Văn Dũng từng thừa nhận sự thiếu quyết liệt từ phía UBCKNN và HoSE đã làm chậm quá trình triển khai dự án hệ thống giao dịch KRX.
Tổng Hợp