Nói về đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, đồ án quy hoạch lần này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư phát triển mới cho TP. Đà Nẵng.
Ngày 26/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia đã chủ trì hội nghị trực tuyến để thẩm định đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, đồ án quy hoạch lần này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư phát triển mới cho TP. Đà Nẵng.
Ông Lim Siah Gim – Giám đốc tư vấn đồ án quy hoạch của Singapore nhận định: Để đạt GRGP 12%/năm (chiếm 2,88% GDP cả nước, GRDP/người đạt 190 triệu đồng, gấp 1,73 lần cả nước) trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, TP. Đà Nẵng phải có sự đột phá mạnh về cơ cấu và thể chế kinh tế. Trong đó, sự đột phá về thể chế kinh tế đến từ việc Trung ương đồng ý cho thành phố thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và các nội dung phân cấp, phân quyền, ủy quyền để xây dựng mô hình chính quyền đô thị
Dự báo tới năm 2030, TP. Đà Nẵng có 1,45 triệu người và sẽ tăng lên 1,97 triệu người vào 2045. Với quy mô dân số như vậy, tư vấn đề xuất mô hình đô thị nén cho khu vực trung tâm nhằm tăng không gian công cộng, tiện ích đô thị, không nhằm mục đích tăng dân số và làm quá tải hạ tầng khu trung tâm.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến về đồ án quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì – tại điểm cầu Đà Nẵng.
Sau năm 2030 sẽ phát triển mở rộng về phía Tây, xây dựng các chung cư cao tầng mật độ dân số cao hơn. Cụ thể, cấu trúc đô thị tập trung gồm 3 phân vùng. Khu vực mặt nước dọc theo bờ biển, bờ sông với nhiều cảnh quan mặt nước, xây dựng nhà có chiều cao từ 6 – 12 tầng (các cụm công trình điểm nhấn đô thị có thể xem xét cao hơn), ở trung tâm hiện nay từ 10 – 12 tầng.
Khu công viên giữa đô thị với những ngọn đồi và cây xanh, phát triển mật độ thấp, thấp tầng do vùng đất đồi hạn chế phát triển (gồm cả đất nghĩa trang, quân sự). Khu vực sườn đồi phía Tây với đặc điểm các đồi sinh thái, tương lai phát triển các khu ở cao tầng từ 15 – 20 tầng để đáp ứng nhu cầu dân số. Đường chân trời đô thị sẽ cao dần từ Đông sang Tây, như vậy nhà cao tầng phía Tây sẽ có phía sau đồi núi, phía trước mặt biển.
Cần bổ sung, làm rõ 7 nội dung liên quan đến quy hoạch
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị UBND TP. Đà Nẵng bổ sung làm rõ thêm 7 nội dung, đó là: Bổ sung chi tiết để bảo đảm tính pháp lý đối với nội dung cụ thể trong đồ án; xây dựng phương án, kịch bản phát triển kinh tế, xã hội thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị; điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; quy hoạch sử dụng đất cần cập nhập Bộ tiêu chuẩn quốc gia năm 2019 về Quy hoạch xây dựng theo Thông tư số 22-2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 cũng như chỉ tiêu về phát triển dân số; làm rõ định hướng quy hoạch phát triển quy hoạch không gian, công trình cao tầng; làm rõ về bản sắc của đô thị Đà Nẵng; phân tích, bổ sung mức độ đáp ứng về quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội gắn bảo đảm quốc phòng – an ninh. Cuối cùng là thành phố cần xây dựng quy hoạch đồng bộ, có tính thống nhất về nội dung từ quy hoạch chung với với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng trình báo cáo bổ sung, điều chỉnh 7 nội dung nêu trên đến Hội đồng Thẩm định Quốc gia trước ngày 5/9/2020 và Hội đồng Thẩm định Quốc gia trình Thủ trướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trước ngày 10/9/2020.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tán thành việc xây dựng chỉ tiêu dân số đối với TP. Đà Nẵng và nhấn mạnh: “Đã là thành phố đáng sống, thành phố du lịch thì các chỉ tiêu đô thị phải vượt chuẩn Quốc gia. Một đô thị chật chội, lộn xộn thì không thể nói là đáng sống được”.
Cũng theo ông Hà, những năm 1992, 1995 đô thị Đà Nẵng đón nhận làn sóng gia tăng dân lớn từ những tác động bởi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung trước đó. Theo chu kỳ, có thể sắp tới Đà Nẵng sẽ đón làn sóng phát triển thứ hai.
“Việc tăng dân số phụ thuộc yếu tố kinh tế, việc làm, điều kiện sống. Theo các nghiên cứu mới về đô thị, nếu đô thị không đạt tới quy mô dân số 2,5 – 3 triệu dân, rất khó trở thành đô thị động lực, trung tâm hay cực tăng trưởng của vùng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, chính quyền thành phố đã nỗ lực rất cao và đầu tư mọi nguồn lực để định hướng cho một thời kỳ phát triển mới của đô thị Đà Nẵng. Theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tư vấn thực hiện đã xác định: 10 năm tới (2030) khi Đà Nẵng đạt dân số khoảng 1,97 triệu người, quy mô đất xây dựng đô thị hơn 34.200ha, chiếm hơn 35,5% diện tích đất liền. Theo đó, TP. Đà Nẵng sẽ có 3 vùng đô thị đặc trưng, 2 vành đai kinh tế (phía Bắc là vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển; phía Nam là vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao).
Đô thị Đà Nẵng trong tương lai vẫn chọn điểm nhấn kiến trúc dọc theo 2 bờ sông Hàn.
Không gian đô thị được định hướng phát triển chia làm 12 phân khu. Nổi bật như phân khu ven sông Hàn và bờ Đông diện tích hơn 6.500ha, dân số khoảng 484.000 người, là đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết hình thành đô thị nén tại trung tâm thành phố. Phân khu cảng Liên Chiểu diện tích 1.258ha, dân số khoảng 19.000 người, phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics, khu đô thị cảng biển.
Phân khu Công nghệ cao diện tích khoảng 5.679ha, dân số dự kiến khoảng 314.000 người, phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghệ thông tin cùng với bến xe phía Bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành tại Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam. Phân khu Trung tâm lõi xanh diện tích khoảng 4.740ha dân số khoảng 61.000 người, là khu vực đặc trưng bởi các dãy Phước Tường – An Ngãi nhiều cây xanh, tuyến đường cao tốc Bắc Nam, tuyến đường sắt Quốc gia, đường sắt tốc độ cao và ga đường sắt mới.
Phân khu Đổi mới sáng tạo diện tích khoảng 3.900ha, dân số khoảng 233.000 người, phát triển dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao chất lượng cao. Trọng tâm của phân khu này là làng đại học, công viên phần mềm cùng các bệnh viện quốc tế, Khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân, bến xe phía Nam.
Phân khu sân bay Đà Nẵng diện tích khoảng 1.300ha, dân số khoảng 104.000 người, trọng tâm là sân bay Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới. Về định hướng hạ tầng kỹ thuật, thành phố phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm.
Một góc đô thị Đà Nẵng
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng bổ sung hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng, hầm qua sông Hàn, cầu đường bộ nối đường 29/3 với đường Bùi Tá Hán. TP. Đà Nẵng cũng định hướng hình thành mới bến xe phía Bắc, bến xe phía Tây (cửa ngõ lên Tây Nguyên), đồng thời, tiếp tục phát triển bến xe phía Nam. Bến xe Trung tâm hiện tại sẽ được chuyển đổi phục vụ giao thông công cộng. Một đường hầm xuyên qua ga đường sắt mới và đường cao tốc kết nối về phía Tây cũng được đưa vào đồ án lần này.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Tôi cứ trăn trở mãi, động lực nào cho TP. Đà Nẵng phát triển. Trước đây ở Hải Phòng cũng vậy, khi làm cảng Lạch Huyện cũng có nhiều ý kiến bàn luận. Nhưng rồi, chính cảng Lạch Huyện là động lực làm thay đổi Hải Phòng, phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Tôi nghĩ cảng Liên Chiểu cũng có sứ mệnh, tác động với Đà Nẵng như vậy”. Theo ông Nguyễn Tấn Vạn, cần phải ưu tiên, tập trung nguồn lực khẩn trương xây dựng cảng Liên Chiểu.
Cảng Tiên Sa được tư vấn đề xuất đầu tư mạnh hơn để vừa làm cảng du lịch, vừa làm cảng hàng hóa.
“Thật khó chấp nhận được khi ở vị trí trung tâm vùng, cửa ngõ hướng biển quốc tế mà vận tải cảng biển Đà Nẵng lại chỉ đứng thứ 10 cả nước, thua cả cảng Dung Quất”, ông Nguyễn Tấn Vạn bày tỏ và nhấn mạnh: “Phải dùng cú hích đầu tư công để xây cảng Liên Chiểu thật nhanh. Đây là động lực phát triển, hình thành trung tâm logistics lớn, khu đô thị trung tâm phía Bắc của Đà Nẵng”.
Đồng quan điểm này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam cho rằng, cảng Tiên Sa cần chuyển ngay sang mô hình cảng du thuyền bởi có địa thế đẹp và khung cảnh tương tự cảng Monaco (Pháp). “Đà Nẵng là thành phố du lịch, mà du lịch đẳng cấp phải có bến du thuyền. Song song với đó, phải cấp bách xây cảng Liên Chiểu vì nơi này có đầy đủ các yếu tố thuận lợi, có mũi Hải Vân che chắn”, ông Chính cho hay.
Cũng theo ông Chính, phải lấn biển làm cảng, mở rộng thêm khu vực dân cư gần sông Cu Đê, hình thành một trung tâm đô thị lớn ở khu vực này.
Cần thiết phải tổ chức Hội thảo quốc tế về cảng Liên Chiểu
“Trong quy hoạch, nên tránh tư duy trước đây là cái gì cũng muốn kéo về địa phương mình, nhưng không có gì để khai thác. Không làm cảng Liên Chiểu thì coi Chân Mây hay Kỳ Hà như cảng của Đà Nẵng, tư duy như vậy có được không?”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đặt câu hỏi.
Ông Nghĩa chia sẻ, theo đánh giá, tư vấn, các nguyên lãnh đạo thành phố thì nên giữ lại vịnh Đà Nẵng vì đây là một vịnh rất đẹp. Nên tư duy làm sao khai thác, xây dựng và phát triển nơi đây thành một bến du thuyền.
Ông Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng sớm tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá khoa học vấn đề cảng Liên Chiểu, từ đó có định hướng rõ ràng cho tư vấn thực hiện quy hoạch.
Trong khi đó, phía đơn vị tư vấn lại đề xuất không xây cảng Liên Chiểu (theo Nghị quyết 43) bởi sẽ dẫn tới nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng. Hai luồng tàu ra vào cảng, nạo vét luồng tàu nối thông hai cảng, ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh, cản trở tầm nhìn vào thành phố.
“Thực tế là nền tảng về công nghiệp sản xuất của cả Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận hiện nay rất mỏng. Thêm vào đó Huế, Quảng Nam cũng đã có cảng riêng. Liệu các tỉnh có tiếp tục sử dụng cảng Đà Nẵng để vận chuyển hàng hóa?”, tư vấn đồ án quy hoạch đặt câu hỏi.
“Vịnh Đà Nẵng là tài nguyên, là cơ hội lớn để phát triển các lĩnh vực khác trong tương lai. Phương án tư vấn đưa ra là mở rộng cảng Tiên Sa theo hướng giải tỏa để khơi thông âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn, đi ra dưới cầu Thuận Phước. Kết nối giao thông cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa, nối vào Điện Biên Phủ. Phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến Mân Quang là bến tàu du lịch. Sử dụng đường Nguyễn Tất Thành và cầu Thuận Phước để lưu thông du lịch”, đại diện đơn vị tư vấn chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ rằng, lâu nay mọi người đều cho rằng cảng Liên Chiểu là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây, nhưng thực tế, điểm cuối là Chân Mây hay Kỳ Hà, và nếu không có Đà Nẵng thì hành lang này vẫn tồn tại.
Hữu Trà