Sau khi đồng loạt giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng vào trung tuần tháng 5, các ngân hàng tiếp tục giảm 0,1 – 0,5 điểm % lãi suất huy động kì hạn dài, tập trung tại các kì hạn từ 12 tháng trở lên.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động dài hạn
Ngay đầu tháng 6, lãi suất huy động tiền gửi đã được một loạt ngân hàng điều chỉnh giảm. Trong đó, ngoài các kì hạn ngắn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động dài hạn.
Dẫn đầu xu hướng giảm là 3 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, Vietinbank và BIDV, khối chiếm tới 40% tổng thị phần tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.
Sau khi điều chỉnh giảm lãi suất tất cả các kì hạn dưới 6 tháng trong khoảng từ 0,1 – 0,45 điểm %/năm vào trung tuần tháng 5, Agribank tiếp tục giảm lãi suất các kì hạn dài. Theo đó, lãi suất kì hạn 6 tháng, 7 tháng và 8 tháng là 4,9%/năm, giảm 0,2 điểm % so với thời điểm đầu tháng 5. Lãi suất kì hạn 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng giảm 0,1 điểm % xuống còn 5,1%/năm. Lãi suất huy động đối với các kì hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 6,8%/năm xuống 6,5%/năm.
Tại VietinBank, từ đầu tháng 6, lãi suất các kì hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng đồng loạt giảm 0,2 điểm % xuống còn 4,9%/năm. Với các kì hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng và trên 36 tháng, lãi suất tiền gửi tại các kì hạn này giảm từ 0,1 đến 0,3 điểm % so với tháng 5 xuống mức 6,5%/năm.
Tương tự, lãi suất huy động các kì hạn từ 12 tháng trở lên tại BIDV cũng giảm 0,1-0,3 điểm % so với biểu niêm yết trước đó xuống mức 6,5%.
Không chỉ các ngân hàng gốc quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân cũng bắt đầu hạ lãi suất huy động dài hạn.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 1/6, VPBank đồng loạt giảm 0,1 điểm % lãi suất huy động đối với tất cả kì hạn gửi từ 6 tháng trở lên. Tại Techcombank, mức điều chỉnh đối với các kì hạn từ 12 tháng trở lên dao động từ 0,3-0,5 điểm %.
Trong tháng 6, ACB cũng điều chỉnh giảm 0,15-0,2 điểm % lãi suất huy động đối với kì hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng.
MB cũng giảm 0,1 – 0,3 điểm % lãi suất huy động các kì hạn 6 – 12 tháng so với mức áp dụng tháng trước và giảm đồng loạt 0,2 điểm % lãi suất huy động các kì hạn 13, 15 và 18 tháng Kì hạn 36 tháng giảm 0,1 điểm %, xuống còn 7%/năm.
LienVietPostBank giảm đồng loạt 0,3 điểm % đối với các kì hạn từ 12 tháng đến 48 tháng xuống mức 6,5%/năm.
Tại các ngân hàng thị phần nhỏ như VietCapital Bank và NCB, lãi suất huy động kì hạn trên 6 tháng cũng giảm từ 0,1 – 0,3 điểm %. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng này vẫn duy trì ở mức 8%/năm.
Lãi suất huy động dài dạn của các ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm sau một loạt động thái chính sách mang định hướng nới lỏng tiền tệ của nhà điều hành như giảm lãi suất điều hành, bơm ròng tiền trên thị trường tiền lệ liên ngân hàng …
Trước đó, theo số liệu của SSI Research, trong 5 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã giảm tổng cộng 0,6 – 0,75 điểm% với kì hạn dưới 12 tháng, về mức 4 – 5,5%/năm và giảm từ 0,65 – 1 điểm % ở các kì hạn 12, 13 tháng, về mức 5,7 – 6,2%/năm.
Nhiều yếu tố khiến lãi suất huy động sụt giảm
Theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động liện đến từ sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp kỉ lục.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm loạt lãi suất điều hành và hạ trần lãi suất tiền gửi các kì hạn dưới 6 tháng là một trong những yếu tố tiền đề khiến mặt bằng lãi suất huy động. Đồng thời, trên thị trường mở, NHNN liên tục bơm ròng ra thị trường nhằm hỗ trợ thanh khoản khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu.
Bên cạnh đó, theo số liệu của NHNN, trong 5 tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng thấp dẫn đến tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,96%, thấp nhất trong nhiều năm và cách xa mục tiêu 14% của cả năm 2020.
Nguồn đầu vào dồi dào trong khi đầu ra lại tăng trưởng nhỏ giọt khiến cho các ngân hàng có thể tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất để cân bằng chi phí vốn.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong những tháng tới mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ đi ngang. Ít có khả năng giảm thêm lãi suất điều hành hay trần lãi suất huy động của NHNN từ nay cho tới cuối năm do mức cắt giảm từ đầu năm đến nay đã tương đối lớn.
Thêm vào đó, xu hướng tăng trở lại của lạm phát (do giá dầu thế giới hồi phục và giá thịt lợn duy trì ở mức cao) cũng là cản trở đối với định hướng giảm thêm lãi suất của NHNN.
Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh của lãi suất cho vay cũng là một yếu tố khiến các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động để đảm bảo tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM).
Số liệu của NHNN cho biết tính đến 25/5/2020, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767.000 tỉ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Đồng thời, các TCTD cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỉ đồng.
Chia sẻ bên lề Tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế – Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng lãi suất huy động hiện nay đã giảm tương đối nhiều so với đầu năm.
Theo vị chuyên gia này, lãi suất là một biến số rất nhạy với thị trường, vì điều này liên quan đến “miếng cơm manh áo” của nhân viên ngân hàng.
“Khi Chính phủ yêu cầu hạ lãi suất và chúng tôi nhận thấy thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào, đương nhiên chúng tôi sẽ giảm lãi suất đầu vào. Đến nay, lãi suất đầu vào đã giảm 1% so với cùng kì năm trước. Đồng thời, mức lãi suất chênh lệch đầu vào và đầu ra đã được thu hẹp xuống còn 2,5%”, ông Lực cho biết.
Theo ông Lực, không ngân hàng nào chấp nhận huy động vào lãi suất 7%/năm và cho vay với lãi suất 8%/năm để chịu lỗ. Đương nhiên, trong một số trường hợp, các ngân hàng thương mại cần phải chấp nhận lãi suất đầu vào hơi cao, trong khi giảm lãi suất đầu ra theo yêu cầu của NHNN. Lúc đó, các ngân hàng sẽ tính tới việc tăng các nguồn thu khác liên quan đến dịch vụ, bán chéo sản xuất…
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng