Nhưng không chỉ có sản xuất công nghiệp, đã có những ánh sáng lóe lên từ bức tranh xám màu của nền kinh tế. Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 7,79 tỷ USD, tăng 1%; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đóng góp 21,26 tỷ USD, tăng 5,5%. Cán cân thương mại thặng dư 9,8 tỷ USD.
Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nếu tính chung 5 tháng, mức tăng lên tới 12,6%, nếu loại trừ yếu tố giá cả vẫn còn tăng 8,3%, cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong tháng 5/2023 ước đạt 916.300 lượt người, tuy giảm 6,9% so với tháng trước, nhưng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, con số là 4,6 triệu lượt khách, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Điều quan trọng hơn, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định. Dù chỉ số giá tiêu dùng đã tăng nhẹ 0,01% trong tháng 5, trong khi tháng 4 giảm 0,34% trong tháng trước, song nếu tính bình quân, CPI 5 tháng chỉ còn tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng giảm dần. Điều này có nghĩa, lạm phát đang tiếp tục được kiểm soát tốt, dần được kéo xa ngưỡng mục tiêu 4,5% mà Quốc hội quyết nghị cho năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khi bình luận về những con số này đã cho rằng, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được “những kết quả đáng khích lệ”.
“Điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho rằng, điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang phải chống đỡ với tình trạng lạm phát gia tăng.
Mặc dù có những đánh giá khá tích cực về xu thế tốt hơn của nền kinh tế, nhưng chính Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đã thừa nhận rằng, bối cảnh hiện nay, khó khăn, thách thức còn nhiều hơn thuận lợi.
Ngân hàng Thế giới (WB), trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5/2023 đã nhận định, dù sản xuất công nghiệp có sự cải thiện nhẹ nhưng vẫn yếu. “Nền kinh tế đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu, tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu”, các chuyên gia của WB nhận xét.
Thực tế, thấu hiểu các khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ khi báo cáo Quốc hội mới đây cũng đã nhấn mạnh những rủi ro, thách thức của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. “Tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém”, báo cáo Chính phủ nêu.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)