“Cuộc đua” bán bảo hiểm trong thời kỳ co kéo room tín dụng, ngân hàng tăng mở thẻ, làn sóng miễn phí giao dịch… làm thay đổi bức tranh nguồn thu dịch vụ của các nhà băng.
Theo đánh giá từ một chuyên gia tài chính, nguồn thu từ bảo hiểm thường chiếm tỷ trọng lớn nhất, có nơi chiếm trên 60% trong cơ cấu lợi nhuận của các mảng dịch vụ. Trong khi đó, bán bảo hiểm rủi ro gần như bằng 0, khi ngân hàng không cần bỏ vốn, bán xong có thể nhận tiền hoa hồng cao, bất kể khách hàng có ngừng đóng những năm sau bởi hoa hồng thường trên 100% số phí bán bảo hiểm khách hàng đóng năm đầu tiên.
Thực tế, lợi nhuận ngân hàng được đóng góp không nhỏ từ nguồn thu ngoài lãi, nhất là với những nhà băng có sản phẩm, dịch vụ tài chính trên công nghệ số hiện đại, thu hút được người dùng trước làn sóng số hóa hiện nay.
Báo cáo từ các ngân hàng cũng cho thấy điểm chung là việc tăng phí dịch vụ thanh toán, nguồn thu phí, hoa hồng từ bán bảo hiểm là yếu tố hỗ trợ chính giúp tăng chỉ tiêu lãi từ dịch vụ ở các ngân hàng.
Đặc biệt, từ cuối tháng 4, hoạt động cho vay diễn ra “nhỏ giọt” trước yêu cầu an toàn vốn ngày càng khắt khe và room tín dụng eo hẹp, các ngân hàng đã đẩy mạnh các sản phẩm khác để duy trì nguồn thu. Nhiều nhân viên ngân hàng phản ánh phải tăng bán chéo sản phẩm phụ trợ. Bên cạnh tìm kiếm cách khách hàng mở thẻ thì bán bảo hiểm gia tăng. Các khoản vay thậm chí chỉ được ưu tiên giải ngân nếu mua kèm bảo hiểm trị giá từ 3% tới 5% tổng mức vay.
Lãi từ hoạt động dịch vụ là một trong những trụ cột để các ngân hàng tập trung phát triển, do tăng từ nguồn này ổn định và được các chuyên gia đánh giá là an toàn hơn so với tăng trưởng tín dụng.
Nhìn chung, các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Đến nay, có 22 ngân hàng tăng trưởng thu nhập lãi thuần trên 10%. Trong đó, 8 nhà băng tăng trên 50%. Tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 27 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đạt 45.085 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhưng không phải tất cả các ngân hàng đều tăng ở chỉ tiêu này. Bên cạnh nhiều ngân hàng có mức tăng ấn tượng, có 5 nhà băng giảm lãi từ dịch vụ trong 9 tháng là Vietcombank, BIDV, MB, MSB, ABBank.
Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có phần “hụt hơi”, nhóm nhà băng tư nhân lại tăng mạnh. TTừ báo cáo tài chính các đơn vị cho thấy có tới 9 ngân hàng có lãi từ hoạt động dịch vụ 3 quý đầu năm vượt 1.000 tỷ đồng. Ngoài Techcombank và VPBank nằm trong top đầu, Sacombank cũng đã có bước tăng mạnh, từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng, với mức tăng tới 82% so với cùng kỳ năm 2021.
Các ngân hàng còn lại gia nhập câu lạc bộ thu ngoài lãi vượt 1.000 tỷ đồng là MB (2.912 tỷ đồng), ACB (2.599 tỷ đồng), VIB (2.349 tỷ đồng), TPBank (1.876 tỷ đồng), SeABank (1.090 tỷ đồng).
Trong đó, HDBank cũng có mức tăng tới 80% so với mức 1.186 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021, hay TPBank cũng tăng tới 78%.
Có 16 ngân hàng có khoản lãi từ hoạt động dịch vụ dưới 1.000 tỷ đồng, hầu hết trong số này là các ngân hàng tầm trung. Có 7 đơn vị ghi nhận chỉ tiêu này 9 tháng đạt dưới 100 tỷ đồng là VietBank, Viet Capital Bank, BacABank, VietABank, PGBank, ABBank, Saigonbank.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy sau 9 tháng, Techcombank dẫn đầu chỉ tiêu lãi thuần từ dịch vụ, “vượt mặt” 2 ông lớn là Vietcombank, BIDV. Ngân hàng này lãi 5.993 từ hoạt dịch vụ trong khi cùng kỳ năm trước đạt 4.247 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 40%.
Đi sâu vào chỉ tiêu này, sẽ thấy dịch vụ thanh toán và hợp tác bảo hiểm đóng góp nhiều nhất cho thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của nhà băng. Theo đó, lãi thuần từ 2 hoạt động này lần lượt là gần 2.985 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và hơn 1.066 tỷ đồng, tăng 50%. Hoạt động dịch vụ mang về cho ngân hàng trên 7.492 tỷ đồng, sau khi trừ đi hơn 1.500 tỷ đồng chi phí, Techcombank lãi 5.993 tỷ đồng và dẫn đầu toàn ngành ở chỉ tiêu này.
Nhà băng xếp ở vị trí thứ 2 có mức tăng trưởng cao, lên tới 59% là VPBank, từ 2.863 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 4.557 tỷ đồng. Hoạt động thanh toán ngân quỹ và kinh doanhbảo hiểm chiếm tỷ trọng hơn 50% thu nhập từ dịch vụ của đơn vị này.
Xếp ở vị trí thứ 3 là Vietcombank. Cùng kỳ năm trước Vietcombank là “quán quân” ở chỉ tiêu này song đã thay đổi từ mức 4.994 tỷ đồng xuống 4.508 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 9%.
Vietcombank không phải là ngân hàng thuộc Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước lớn nhất) duy nhất tăng trưởng âm ở chỉ tiêu này.
Nếu như 9 tháng đầu năm 2021, BIDV đứng vị trí thứ 2 với 4.770 tỷ đồng lãi thuần từ dịch vụ thì nay đã giảm 11,5% xuống còn 4.218 tỷ đồng và hiện tại đứng ở vị trí thứ 6.
Dù không thuyết minh chi tiết ở chỉ tiêu này, song Vietcombank và BIDV là 2 đơn vị đã gia nhập làn sóng miễn phí giao dịch hồi đầu năm. Các ngân hàng này đã ngừng thu phí chuyển tiền online và duy trì dịch vụ ngân hàng số cho tất cả khách hàng cá nhân.
Thời điểm đó, điều đó là bất ngờ với giới trong ngành, bởi các ngân hàng thuộc Big 4 vốn trung thành với chiến lược thu phí lâu nay. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng, nhằm phục vụ mục đích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được cho là nguyên nhân dẫn đến quyết định.
Tổng Hợp