Hết lục đục, mâu thuẫn nội bộ, Coteccons lại bị thanh tra xử phạt.Thời gian vừa qua, Coteccons trải qua nhiều khó khăn do mâu thuẫn nội bộ gay gắt. Việc ông Nguyễn Bá Dương, người sáng lập và xây dựng Coteccons từ con số 0 trở thành thương hiệu đỉnh cao ngành xây dựng, ra đi, được xem là mất mát lớn, khó có thể bù đắp một sớm một chiều.
Dù nhóm cổ đông thâu tóm Coteccons đã bổ sung một vài nhân sự mới, nhưng vẫn khuyết vị trí Tổng Giám đốc. Theo các chuyên gia, dù có tài chính khá tốt, nhưng việc thay máu gần như toàn bộ lãnh đạo chủ chốt sẽ khiến Coteccons phải mất một thời gian dài mới có thể gắn kết được và vận hành bình thường. Trong khi đó, các đối thủ khác trong ngành và các công ty do cựu lãnh đạo từ Coteccons sẽ có cơ hội vượt lên trong khi Coteccons đang loay hoay với việc ổn định nhân sự.
Coteccons bị xử phạt 155 triệu đồng vì giao dịch với các bên liên quan nhưng chưa được sự phê chuẩn của HĐQT, đại hội cổ đông và không công bố thông tin trong báo cáo quản trị. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định 75/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons. Tổng số tiền phạt Coteccons phải nộp là 155 triệu đồng. Trong giai đoạn này, Coteccons phát sinh các giao dịch với Unicons và Ricons nhưng các giao dịch này chưa được đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị thông qua. Đồng thời, các báo cáo quản trị trong năm 2018, 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 không có nội dung về giao dịch giữa Coteccons với các bên liên quan.
Doanh nghiệp này bị phạt 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp này đã công bố thông tin báo cáo tình hình quản trị năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 không có nội dung về giao dịch giữa công ty với người có liên quan của công ty. Bên cạnh đó, Coteccons còn bị phạt 85 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan của thành viên hội đồng quản trị. Theo báo cáo tài chính riêng năm 2019 đã được kiểm toán, báo cáo tài chính riêng giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2020 được soát xét; trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Coteccons có các giao dịch với các tổ chức có liên quan đến người nội bộ công ty. Tuy nhiên, giao dịch giữa Coteccons với các bên liên quan trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 chưa được đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị thông qua.
Năm 2017, công ty xác lập kỷ lục về lợi nhuận với 1.653 tỷ đồng. Năm 2018, Coteccons lập kỷ lục về doanh thu với 28.561 tỷ đồng khi vốn điều lệ chưa tới 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2018 cũng là năm ghi nhận lợi nhuận giảm lần đầu sau 6 năm tăng trưởng liên tiếp. Năm 2019, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm, không hoàn thành kế hoạch kinh doanh và dòng tiền kinh doanh âm năm thứ 2 liên tiếp. Mặc dù có nhiều nhen nhóm nảy sinh giữa nhóm cổ đông ngoại mà đại diện là Kusto Group với ban lãnh đạo Coteccons từ những lần họp ĐHĐCĐ 2018 – 2019 nhưng vào năm nay đã được đẩy lên đỉnh điểm. Ngay trước thềm Đại hội, nhóm cổ đông ngoại này nhiều lần đưa ra các cáo buộc về xung đột lợi ích của Coteccons với các công ty liên quan, trong đó có Ricons. Báo cáo tài chính giai đoạn 2010 – 2018 cho thấy, Ricons có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm về doanh thu lên tới 37% còn lợi nhuận là 36%. Năm 2018, lợi nhuận của Ricons tăng 50% trong khi của Coteccons giảm 9%.
Trái ngược với kỳ vọng về một trang mới, Coteccons xảy ra một loạt sự thay đổi về nhân sự. Kế toán trưởng, các thành viên Ban thư ký được thay thế, ông Bolat Duisenov tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng Tiểu ban chiến lược.
Về tình hình tài chính, tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Coteccons đạt 13.082 tỷ đồng, giảm 1.075 tỷ đồng so với đầu năm. Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của Coteccons cuối kỳ là 3.251 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons tiếp tục âm trong quý I với con số âm 184 tỷ đồng và đã bắt đầu âm kể từ năm 2018 tới nay.
Đáng lưu ý, ngay trong quý I Coteccons đã sử dụng đòn bẩy khi vay gần 339 tỷ đồng sau đó đã tất toán ngay trong kỳ. Trên bảng cân đối kế toán, đầu và cuối kỳ, nợ của Coteccons vẫn sạch song con số nợ vay chỉ được thể hiện trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Điều này càng được khẳng định rõ ràng hơn khi quý I chi phí tài chính của Coteccons ghi nhận 993 triệu đồng do khoản chi phí lãi vay gần 777 triệu đồng trong khi các kỳ trước không hề xuất hiện khoản này.
Kiên Cương