Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát tín hiệu sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay bất động sản, nhất là tại những phân khúc có yếu tố đầu cơ hay cho vay phát triển dự án.
Báo cáo thị trường địa ốc quý I/2022 của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.942 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng dư nợ tín dụng hoạt động này; các dự án văn phòng cho thuê đạt 45.532 tỷ đồng (5,8%); các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 33.335 tỷ đồng (4,3%); các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 33.509 tỷ đồng (4,3%); các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.898 tỷ đồng (7,4%).
Riêng dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,4%; cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 101.071 tỷ đồng (12,9%); đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 203.339 tỷ đồng (25,9%).
Mới nhất, tại công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng kiểm soát tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng tại các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT – BT và trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật… Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, việc Ngân hàng Nhà nước “siết” tín dụng bất động sản là nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ. Mặt khác, bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, trong khi nguồn cung nhà ở hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, cho nên Nhà nước sẽ có những giải pháp phù hợp để phát triển thị trường này.
“Trong 5 năm qua, Techcombank chưa gặp vấn đề nào đối với các khoản vay bất động sản, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này gần như bằng 0. Dẫu vậy, các chính sách cho vay bất động sản thời gian tới sẽ tiếp tục được duy trì theo hướng kiểm soát chặt rủi ro”, ông Jens Lottner nói.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng cho hay, Ngân hàng đang kiểm soát tốt việc cho vay bất động sản, hiện dư nợ lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 2% tổng dư nợ, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng, nên nợ xấu bất động sản không phải là vấn đề đáng lo.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát tín dụng, ngày 25/3/2022, Tổng giám đốc Sacombank có văn bản về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022 gửi tới giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch yêu cầu triển khai và điều hành hoạt động cấp tín dụng tại đơn vị.
Cụ thể, văn bản của Sacombank nêu rõ, cấp tín dụng theo đúng định hướng đối với các ngành và lĩnh vực kinh tế, theo đó, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics… Không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở). Đồng thời, Tổng giám đốc Sacombank yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động và cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Việc kiểm soát tín dụng này được tiến hành đến ngày 30/6/2022.
Văn bản nhấn mạnh: “Phòng kế hoạch, Trung tâm tín dụng phối hợp theo dõi và báo cáo cho Ban lãnh đạo hàng ngày… Báo cáo Tổng giám đốc các trường hợp vi phạm quy định để xử lý”.
Theo các chuyên gia BĐS, mặc dù NHNN siết kiểm soát tín dụng BĐS để hạn chế các hoạt động đầu cơ và sử dụng nguồn vốn vào BĐS làm đòn bẩy tài chính, nhưng trong dài hạn, việc siết tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ thiếu vốn, bởi tác động kép vừa khắc phục hậu quả sau đại dịch, vừa phục hồi kinh tế, trong khi lĩnh vực này là kênh đóng góp đến 14% GDP cho nền kinh tế. Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính chia sẻ, nếu kiểm soát quá chặt dễ khiến doanh nghiệp phải dừng các hoạt động đầu tư. Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất không nên siết các chính sách tín dụng, thay vào đó cần có chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề – đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá…, còn lại nên khuyến khích. Đặc biệt là nên ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đang triển khai, sắp đưa nguồn cung ra thị trường, có mức giá đáp ứng được số đông khả năng của người mua.
Thông qua Hiệp hội BĐS Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp BĐS đều có chung ý kiến về tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động, dẫn đến thị trường thiếu nguồn cung và tiếp tục kéo dài càng khiến giá nhà đất tăng cao, cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp BĐS kiến nghị, việc kiểm soát nguồn vốn nên có lộ trình, có rà soát đối với dự án đủ điều kiện pháp lý, đúng tiến độ. Không nên thực thi chính sách siết nguồn vốn vào BĐS theo kiểu “đánh đồng” tất cả các dự án, sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS nói riêng và ảnh hưởng dây chuyền để cả nền kinh tế nói chung; đồng thời, ngành Ngân hàng cần rà soát ưu tiên cấp tín dụng kịp thời cho các dự án tốt, có phương án kinh doanh khả quan, khả năng trả nợ gốc và lãi rõ ràng.
Tổng Hợp