Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực với thanh khoản duy trì ở mức cao.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khởi đầu tuần giao dịch mới với những diễn biến khá tích cực. Tâm lý nhà đầu tư dường như vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự điều chỉnh trong phiên cuối tuần trước.
Thị trường giao dịch có phần giằng co ở đầu phiên nhưng sau đó, lực cầu gia tăng đã giúp hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá và từ đó giúp các chỉ số bật lên. Trong đó, SHB tiếp tục tăng 6,8% lên 14.100 đồng/cp và là nhân tố chính giúp duy trì vững sắc xanh của HNX-Index.
Bên cạnh đó, VNM cũng tăng mạnh đến 2,8% lên 117.600 đồng/cp, PVD tăng 1,9% lên 10.950 đồng/cp, MWG tăng 1,3% lên 86.100 đồng/cp. KDC tăng nhẹ 0,7% lên 29.200 đồng/cp. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020, HĐQT Công ty Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, KDF) sẽ trình phương án sáp nhập vào Tập doàn Kido (KDC). Theo phương án sáp nhập, Tập đoàn mẹ Kido sẽ phát hành thêm 23 triệu cổ phần để hoán đổi hơn 17,76 triệu cổ phần phổ thông của Kido Foods, tỷ lệ hoán đổi 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF đổi lấy được 1,3 cổ phiếu KDC).
Chiều ngược lại, các cổ phiếu như VJC, GAS, HVN, VPB, MSN… đều chìm trong sắc đỏ nhưng mức giảm không quá mạnh nên áp lực đến thị trường chung là khiêm tốn.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã vừa và nhỏ bất ngờ giao dịch bùng nổ. Trong đó, cổ phiếu khu công nghiệp đồng loạt tăng mạnh với ITA (+6,9%), KBC (+6,6%), SNZ (+14,7%), SIP (+11,7%), MH3 (+10,2%), TIP (+6,8%), D2D (+5,1%), SZL (+4,9%)…
Bên cạnh đó, cả 3 cổ phiếu họ “Vin” là VIC, VHM và VRE đều tăng giá trong phiên hôm nay. VIC tăng 0,7% lên 97.100 đồng/cp, VHM tăng 0,4% lên 76.800 đồng/cp, còn VRE tăng 1,6% lên 26.200 đồng/cp. Một cổ phiếu lớn khác trong nhóm bất động sản là NVL đứng giá tham chiếu 53.300 đồng/cp.
Chiều ngược lại, một vài cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ giảm giá sâu, trong đó, DIH và FDC bị kéo xuống mức giá sàn. SID giảm 5,5%, HD2 giảm 4,3%, VRC giảm 2,2%, CLG giảm 1,4%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,3 điểm (0,74%) lên 849,04 điểm. Toàn sàn có 218 mã tăng, 145 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,11 điểm (1,97%) lên 109,15 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 62 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,69 điểm (1,27%) lên 54,93 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 6.447 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 356 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.475 tỷ đồng. Trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường phiên hôm nay có 3 cổ phiếu bất động sản là ITA, DLG và KBC, trong đó, ITA dẫn đầu với 14 triệu cổ phiếu.
10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 25/5. Nguồn: VDSC.
Khối ngoại là điểm trừ của thị trường khi bán ròng 126,4 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại gần 79 tỷ đồng. CII vẫn là cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với 12 tỷ đồng. Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh có VHM, VRE và KBC. VHM được mua ròng 19 tỷ đồng, VRE là 5 tỷ đồng còn KBC là 3 tỷ đồng.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất sàn HoSE phiên 25/5. Nguồn: Fialda.
Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc độ kỹ thuật, dư địa cho nhịp tăng của thị trường là vẫn còn với target đợt này của VN-Index là quanh ngưỡng 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%); tuy nhiên, VN30 đã khá gần target của nhịp hồi phục là ngưỡng 815 điểm (fibonacci retracement 61,8%) nên những rung lắc có thể bắt đầu diễn ra trên nhóm cổ phiếu trụ cột trong các phiên tới. Khối ngoại bán ròng trong phiên hôm nay với khoảng 105 tỷ đồng trên hai sàn là điểm nhấn tiêu cực. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 25,25 điểm cho thấy nhà đầu tư vẫn thận trọng với nhịp hồi phục hiện tại.
SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 26/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ gần nhất quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%) và 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư đang đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tiếp tục theo dõi thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo và có thể chốt lời khi VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh 880 điểm.
Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm.
Tại thị trường chứng khoán châu Á MSCI châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chốt phiên 25/5 tăng 0,3%. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải tăng 0,15%. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong đảo chiều vào cuối phiên, tăng 0,1%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 1,73%, Topix tăng 1,65%. Kospi của Hàn Quốc tăng 1,24%. ASX của Australia tăng 2,16%, hầu hết các lĩnh vực đều tăng điểm.
Tuấn Hào