Hôm nay là ngày gần 129 triệu cổ phiếu LPB do Ngân hàng LienVietPostBank phát hành thêm để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 12% chính thức về tài khoản nhà đầu tư.
Cách đây hơn 2 tháng, cổ đông LPB đang giữ cổ phiếu với giá quanh 26 nghìn đồng. Tuy nhiên, càng gần ngày chia cổ tức thì giá cổ phiếu càng thêm giảm, và cổ đông nào lăn chốt cổ tức tỷ lệ 12% thì giá cổ phiếu đang sở hữu bị điều chỉnh về 23.400 đồng, cùng với số cổ phần được phát hành thêm với tỷ lệ 100:12 tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu LPB sẽ được thêm 12 cổ phiếu với giá 23.400 đồng.
Đến ngày 4/10, số cổ phần phát hành thêm chính thức về tài khoản, cổ đông có thể bán được cổ tức nhưng giá giảm chỉ còn quanh 20.500 đồng, tương đương mức giảm hơn 12%. Thậm chí nếu cổ đông nào được chia cổ tức mà có cổ phiếu lẻ và muốn bán luôn trong ngày hôm nay còn bị bán với giá sàn 19.450 đồng, tương đương mức lỗ gần 17%. Cổ phiếu LPB cùng chung số phận với hầu hết các cổ phiếu ngân hàng khác khi giảm liên tục suốt hai tháng qua. Triển vọng của nhóm này hiện cũng không mấy khả quan trong bối cảnh ngành ngân hàng phải hi sinh lợi nhuận để chia sẻ với các doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa tìm lại được sắc xanh trong phiên giao dịch hôm nay 04/10 dù rằng đầu phiên chiều có lúc nhóm này tăng vốn lên.
LPB trong phiên giảm mạnh, tới cuối phiên sáng và đầu phiên chiều xuất hiện sắc xanh rồi đi lên khá nhanh nhưng tất cả cũng chỉ diễn ra trong tích tắc và đó là ánh sáng loé lên duy nhất của cả ngày, cổ phiếu nhanh chóng đảo chiều sụt giảm, cuối phiên chỉ còn 20.550 đồng/cổ phiếu.
Trong tháng qua, có gần 118 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, giảm 31% so với tháng 8. Theo đó, giá trị giao dịch giảm 31%, còn hơn 3,924 tỷ đồng/ngày. Đây là tháng thứ 3 ghi nhận thanh khoản cổ phiếu ngân hàng sụt giảm.
Về phương diện dòng tiền, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng ổn định từ đầu năm đến nay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp, TTCK đang trở thành 1 kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cá nhân. VNDirect cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2022, được thể hiện thông qua sự tăng trưởng số lượng tài khoản cá nhân mở mới trong 2 tháng vừa qua. Chiếm một phần tư giá trị vốn hóa thị trường, rõ ràng, ngành ngân hàng là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)