Góp mặt trong danh sách 10 mã cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán tháng 5, APP gây chú ý khi ‘phi’ tới 78,95% trong vòng 1 tháng, bất chấp kết quả kinh doanh bết bát và diễn biến phức tạp của thị trường chung. Dường như động lực cho đà tăng giá này đến từ những cuộc ‘sang tay’ với khối lượng cao đột biến của nhóm cổ đông lớn mới.
Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5, thị trường chứng khoán ghi nhận biến động mạnh với khuynh hướng side way của VN-Index khi chỉ số này đã 2 lần ‘test đáy’ tại mốc 1.252 điểm. Bất chấp diễn biến phức tạp của thị trường chung, cổ phiếu APP của Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng.
Sau nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần, mã này đã xác lập chuỗi 3 phiên tím trần liên tiếp, nhanh chóng vượt qua vùng mệnh giá và cán mốc 11.300 đồng/cp. Theo đó, APP đã leo lên đỉnh 2 năm và chỉ còn cách mức kỷ lục 15.700 đồng/cp thiết lập hồi tháng 3/2022 khoảng 28%, tương ứng với khoảng 2 phiên tăng trần.
Bước sang phiên giao dịch sáng 31/5/2024, trong nỗ lực tìm về đỉnh cũ, cổ phiếu APP đã có thời điểm tăng hết biên độ lên mức 12.900 đồng/cp. Những tưởng chỉ còn 1 phiên tăng trần để trở lại ‘thời hoàng kim’ song áp lực chốt lời xuất hiện trong phiên chiều đã khiến APP rơi xuống sát mệnh giá, đóng cửa ở mức 10.200 đồng/cp. Dù vậy, mã này vẫn nằm trong top 10 cổ phiếu ‘phi’ mạnh nhất sàn chứng khoán tháng 5 với mức tăng trưởng 78,95%. Nhìn rộng hơn, so với mức giá 4.500 đồng/cp ghi nhận hồi đầu tháng 4, cổ phiếu APP đã tăng tới 126,67%.
Cùng với đà tăng của thị giá, thanh khoản cổ phiếu APP cũng cao đột biến. Nhất là từ trung tuần tháng 5, mã này bắt đầu chứng kiến những phiên giao dịch khớp lệnh lên tới hàng hàng chục nghìn, trăm nghìn đơn vị trong khi trước đó, khối lượng giao dịch chỉ ‘lẹt đẹt’ ở mức vài trăm, vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Động lực từ giao dịch nội bộ và cổ đông lớn?
Đáng nói, ‘cơn sóng’ tăng giá xuất hiện trong bối cảnh cổ phiếu APP liên tục ghi nhận biến động cổ đông lớn cùng những cuộc ‘sang tay’ lớn giữa cổ đông nội bộ. Cũng cần nói thêm, tất cả những giao dịch này đều diễn ra theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Cụ thể, trong phiên tăng trần ngày 16/5/2024, APP ‘chào đón’ một cổ đông lớn mới. Đó là ông Phạm Quang Khánh, người đã mua gần 60.900 cổ phiếu APP, tương đương 90% tổng khối lượng giao dịch ngày hôm đó. Hậu giao dịch, ông Khánh nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 243.100 đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,15%.
Sau khi trở thành cổ đông lớn, ông Phạm Quang Khánh liên tục gia tăng sở hữu tại APP khi khớp lệnh thêm hàng trăm nghìn cổ phiếu. Cụ thể, vị này đã mua 527.100 cổ phiếu trong phiên 22/5 và 769.600 cổ phiếu trong phiên 23/5, nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 1,5 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 32,91%. Tương tự phiên giao dịch ngày 16/5, số lượng cổ phiếu mà ông Khánh mà ông Khánh mua vào trong 2 phiên giao dịch nói trên cũng chiếm gần hết tổng số lượng cổ phiếu được ‘sang tay’, lần lượt ở mức 94% và 92%.
Đến ngày 24/5, ông Khánh bất ngờ bán ra 750.000 cổ phiếu APP, hạ lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 805.000 đơn vị, tỷ lệ sở hữu theo đó giảm gần một nửa, xuống còn 17,04%. Lần này, số lượng cổ phiếu mà ông Khánh khớp lệnh chiếm tới 99% tổng khối lượng giao dịch của cả phiên.
Cũng trong phiên giao dịch ngày 24/5, còn có hai nhà đầu tư cá nhân khác khớp lệnh số lượng lớn là bà Phú Thị Thanh Huệ và bà Lưu Thuỳ Anh. Trong đó, bà Huệ đã mua vào 300.000 cổ phiếu, nâng sở hữu từ 3,87% lên 10,22%, còn bà Thùy Anh mua 450.000 cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0,21% lên 9,74%, cùng trở thành cổ đông lớn của APP. Đáng nói, tổng lượng cổ phiếu hai cá nhân này mua vào bằng đúng lượng ông Phạm Quang Khánh bán ra. Nhiều khả năng, đây là giao dịch sang tay của nhóm cổ đông này. APP ‘đón’ thêm hai cổ đông lớn mới là
Tiếp đến ngày 27/5, hai tân cổ đông lớn là ông Phạm Quang Khánh và bà Phú Thị Thanh Huệ tiếp tục có động thái tăng sở hữu. Trong đó, ông Khánh mua 356.800 cổ phiếu, nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên mức 1,2 triệu (tỷ lệ sở hữu 24,59%), còn bà Huệ mua thêm 180.740 cổ phiếu, nâng tổng số lượng cổ phiếu lên mức 663.740 đơn vị (tỷ lệ 14,05%). Tổng số lượng cổ phiếu mà hai vị này khớp lệnh cũng chiếm 98% thanh khoản cả phiên.
Ở chiều ngược lại, trong phiên tăng trần ngày 23/5, cổ đông lớn Nguyễn Hà Trung đã bán ra 785.000 cổ phiếu APP, hạ sở hữu từ 785.065 cổ phiếu (tỷ lệ 16,62%) xuống còn 65 cổ phiếu lẻ. Đến phiên 27/5, một cổ đông lớn khác là bà Vũ Thị Phương Thảo cũng bán ra 323.000 cổ phiếu, giảm lượng nắm giữ từ 323.082 cổ phiếu (tỷ lệ 6,84%) xuống chỉ còn 82 cổ phiếu lẻ.
Về phía người nội bộ, từ ngày 22/5 đến 24/5, ông Phan Hải Hà, Thành viên Ban kiểm soát đã thoái sạch 213.078 cổ phiếu (4,51% vốn). Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Anh, Thành viên HĐQT cũng hạ sở hữu về 0% sau khi bán ra hết 207.282 cổ phiếu nắm giữ (4,39% vốn) vào ngày 22/5.
Chưa thể có lãi
Trái ngược với những gì đang diễn ra trên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của APP lại không mấy khả quan. Năm vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 201 tỷ đồng, giảm 26% so với 2022, hoàn thành 91% kế hoạch đã đề ra. Tương tự, mặc dù chỉ kỳ vọng lãi trước thuế ở mức rất ‘mỏng’ 56,8 triệu đồng (giảm 11 lần so với thực hiện năm 2022), APP cũng không thể hoàn thành mục tiêu mà thậm chí còn thua lỗ 4,5 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động doanh nghiệp này báo lỗ.
Giải trình về kết quả kinh doanh, APP cho hay, trong năm 2023, doanh nghiệp đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, APP phải nhập nguyên liệu sản xuất dầu mỡ nhờn với giá cao, trong khi giá bán không tăng được. Mặt khác, doanh nghiệp cũng bị mất một số thị trường công nghiệp có sản lượng và lợi nhuận cao như Công ty Osawa, Công ty ống thép Cao Bằng, Công ty Phân đạm và HC Hà Bắc và sụt giảm sản lượng bản tại một số thị trường như Công ty Apatit, Công ty Cao su Đà Nẵng, Than Mạo Khê. Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường mới cũng chưa đạt yêu cầu. Đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, do bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc chiết khấu xăng dầu ở thời điểm thấp, APP lại áp dụng chính sách bán hàng trả tiền ngày, không cho khách hàng nợ đã dẫn đến sản lượng xăng dầu đạt mức thấp, kết quả là doanh thu và hiệu quả bán buôn bán lẻ đều không được như kỳ vọng.
Bước sang năm 2024, mặc dù đánh giá bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngành kinh doanh dầu mỡ nhờn và xăng dầu dự kiến vẫn gặp thách thức, APP đạt mục tiêu doanh thu 364 tỷ đồng, tăng 81% so với thực hiện 2023 và lợi nhuận trước thuế 765 triệu đồng. Tuy nhiên, kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mới mang về 52 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ, thực hiện được 14% kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thể có lãi. APP báo lỗ trước thuế 410 triệu đồng. Dù rằng đã cải thiện rất nhiều so với khoản lỗ 2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái song con số này còn cách rất xa đối với mục tiêu cả năm có lãi của doanh nghiệp.
Rõ ràng, kết quả kinh doanh nói trên vẫn chưa thể tạo ra điểm đột biến cho APP hay cổ vũ cho đà tăng của cổ phiếu. Nhìn chung, sự bứt phá trong ngắn hạn của mã này chủ yếu vẫn đến từ hoạt động mua bán sôi động từ phía nhóm cổ đông lớn mới.
Nói thêm về APP, đây vốn không phải một cái tên quá xa lạ. Doanh nghiệp này đã có tuổi đời 28 năm và tham gia thị trường chứng khoán được 14 năm. Được biết, APP chính thức thành lập vào ngày 28/8/1996, trên cơ sở tách Trung tâm Phụ gia Dầu mỏ từ Viện Hoá học Công nghiệp. Năm 2003, doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hoá. Ngày 5/10/2010, APP đưa cổ phiếu lên giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Vừa lên sàn, mã này đã ‘cắm đầu’ lao dốc và mãi đến đầu năm 2013 mới bắt đầu hồi phục song không thể lấy lại mệnh giá. Tháng 7/2022, cổ phiếu APP bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HNX do báo cáo tài chính 3 năm 2019, 2020 và 2021 nhận ý kiến ngoại trừ trừ kiểm toán. Sau đó, mã này được đưa lên giao dịch thị trường UPCoM với giá 6.500 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh).
Theo giới thiệu trên website, APP hiện là một trong những đơn vị hàng đầu về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu mỡ bôi trơn và chất lỏng chuyên dụng, có khả năng cung ứng trên 150 chủng loại sản phẩm phục vụ cho các ngành giao thông vận tải, điện, khai thác mỏ, công nghiệp hoá chất. Doanh nghiệp này hiện sở hữu kho đầu nguồn và nhà máy sản xuất dầu nhờn công suất 10.000 tấn/năm đặt tại Hải Phòng, trụ sở chính và nhà máy sản xuất với dây chuyền công nghệ sản xuất mỡ bôi trơn cao cấp công suất 1000 tấn/năm và dây chuyền sản xuất dầu phanh và chất lỏng chuyên dụng nâng công suất từ 500 tấn/năm thành 1000 tấn/năm. Bên cạnh đó, APP cũng có chi nhánh đặt tại TP. Hồ Chí Minh để phát triển thị trường miền Trung và miền Nam.
Theo Vietnamfinance