Trong 5 tháng đầu năm, ngân hàng đã “bơm” bao nhiêu tiền vào bất động sản, trong khi đó cơ cấu tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.
Về mặt bằng lãi suất , đã cơ bản ổn định. Lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,13%/năm, giảm khoảng 0,35% so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 9,07%/năm, giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm 2022.
Về cơ cầu lại thời hạn trả nợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cầu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hang gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.
Đến ngày 31/5/2023, có 17 ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng với số dư nợ gốc và lãi suất được cơ cấu là 14.340 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành, thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng hợp lý; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng, an toàn, hiệu quả; góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đến ngày 31/5/2023, tín dụng tăng 3,29% so với cuối năm 2022, tăng 10,25% so với cùng kỳ năm trước.
Về nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản trong quý 2/2023 có sự biến động đáng kể vào tháng 6/2023 với 13 đợt phát hành riêng lẻ, tổng giá trị 8.170 tỷ đồng với mức lãi cao so với mặt bằng chung 12-14%, tăng mạnh so với tháng 5/2023. Đáng chú ý, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào các ngành nghề kinh tế đều giảm nhẹ, riêng bất động sản ghi nhận giảm sút mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư.
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chiều ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, qua nắm bắt tình hình triển khai, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng (thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng).
Đến nay, theo tổng hợp, báo cáo của các địa phương, đã có 11 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442 tỷ đồng.
Trong số đó, tại tỉnh Trà Vinh có 2 dự án; Tây Ninh có 1 dự án; Hà Tĩnh 1 dự án; Bình Dương 4 dự án; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 1 dự án; An Giang 2 dự án; Bắc Giang 1 dự án; Kiên Giang 2 dự án; Bắc Ninh 6 dự án; Hậu Giang 1 dự án; thành phố Đà Nẵng có 3 dự án.
Ngoài 11 tỉnh trên, các sở xây dựng khác cũng đang rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét công bố danh mục. Trường hợp các dự án được phê duyệt cho vay sẽ giải ngân được 12.442/120.000 tỷ đồng (đạt khoảng 10,4% số vốn giải ngân trong gói 120.000 tỷ).
Tổng Hợp