Chuyên gia cho rằng cần giải quyết cấp bách những vướng mắc đang tồn tại để tháo gỡ hàng trăm nghìn tỷ đang bị ứ đọng ở các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), tính đến tháng 9/2021, cả nước có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị ba sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Các dự án bất động sản du lịch chủ yếu tập trung tại 15 địa phương bao gồm: Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế (Thừa Thiên – Huế), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hoà), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang).
tại Hội thảo Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ do Hội luật gia Việt Nam tổ chức ngày 6/5, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế (Đại học Luật TP.HCM) cho biết, các cơ quan chức năng “không dám” cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các cá nhân vì những lấn cấn về chế độ pháp lý của đất cấp cho các dự án bất động sản du lịch, mặc dù về mặt chính sách Việt Nam đã có những chủ trương cho mô hình kinh doanh này.
Theo ông Dũng, điểm mấu chốt do thiếu các quy hoạch tổng thể về sử dụng đất mang tính ổn định lâu dài cho những khu vực mà Nhà nước dự định phát triển du lịch. Nhiều khu vực có tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch núi thường là vẫn thuộc nhóm quy hoạch là đất nông nghiệp, đất phòng hộ…
“Cần có một quy hoạch khu vực có thể phát triển du lịch và từ đó cho phép cơ quan Nhà nước có một sự linh động trong việc thiết lập chính sách sử dụng đất cho từng giai đoạn”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 về nhóm đất phi nông nghiệp nhằm định danh chính xác, cụ thể đất xây dựng các bất động sản du lịch theo hướng quy định rõ tính pháp lý (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) đối với của các loại đất và công trình trên đất của các sản phẩm bất động sản du lịch như resort villa, condotel, shoptel, homestay, farmstay…
Ông đề xuất cần định danh chính thức các loại bất động sản du lịch trong Luật kinh doanh bất động sản, Luật xây dựng.
Cần giải quyết cấp bách những vướng mắc đang tồn tại, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thống nhất các địa phương cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản, chuyển nhượng cho nhà đầu tư theo đúng hồ sơ pháp lý mà doanh nghiệp/ chủ đầu tư dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cấp trước đó.
Theo một số chuyên gia bất động sản, trên thế giới, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn ngành du lịch.
Tại Việt Nam, phân khúc này mới xuất hiện trong vài năm gần đây, nhưng đã gây tiếng vang lớn trên thị trường. Tính đến tháng 9/2021, các dự án bất động sản du lịch như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố du lịch, tập trung tại 15 địa phương có ngành du lịch phát triển, đã lên đến 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Tuy nhiên, do là một phân khúc mới, nên hệ thống pháp lý vẫn chưa theo kịp.
Tổng Hợp