Phía cơ quan quản lý muốn bảo vệ quyền lợi người mua nhà, hay các bên liên quan thì nên tập trung vào giải pháp làm sao để việc mua bán, giao dịch bất động sản diễn ra minh bạch. Chuẩn hóa chất lượng môi giới đang là vấn đề được quan tâm để người mua nhà được bảo vệ tốt hơn…
Trên thực tế, rất nhiều chủ đầu tư đều quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực nhưng có những giai đoạn mở rộng quy mô quá nhanh trong bối cảnh nóng sốt của thị trường, việc tuyển dụng nhân sự có thể bị nới lỏng. Sự nới lỏng đó có thể dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Do đó, về dài hạn, vẫn cần một nền tảng, một quy chuẩn chung cho đội ngũ môi giới bất động sản. Hệ lụy chính là những trường hợp lừa khách hàng, rao dự án này nhưng giới thiệu dự án khác, vô tình ảnh hưởng tới thị trường chung.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang giao dịch khác nhiều thị trường các nước, khi vẫn đang trong giai đoạn phát triển, và có một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính đã vẽ dự án và giao dịch, gây ảnh hưởng cho quyền lợi của khách hàng. Vụ Công ty Alibaba là một ví dụ khi đơn vị này tự nhận là chủ đầu tư và lừa hàng nghìn khách hàng. Do đó, theo ông Kiểm, việc luật hóa là đúng thời điểm.
Ngoài tăng trưởng về mặt quy mô, số lượng thì chất lượng nhân lực BĐS thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2019, số lượng môi giới hoạt động tại các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập khoảng 300.000 người. Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của môi giới BĐS trên thị trường đạt trung bình khoảng 15%. Môi giới BĐS đang trở thành nghề hấp dẫn đông đảo nhân lực.
Tuy nhiên, nhân lực BĐS ở nước ta chủ yếu đi từ phát triển thực tế kinh doanh, không có sự đào tạo bài bản, chính quy như ở các nước phát triển. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn nhân lực BĐS không đồng đều. Cùng mang danh nghĩa chuyên viên tư vấn, có người được đào tạo bài bản, được trang bị kỹ năng tốt nhưng ngược lại có những đội ngũ hơi “xô bồ”, “ăn xổi”, chứ không nghĩ tới việc phát triển bền vững và giá trị mang tới cho khách hàng.
Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đáng chú ý, Bộ Xây dựng dự kiến “bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản”.
Trên thực tế, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã từng quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản”, nhưng đã được bãi bỏ trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (hiệu lực từ 01/07/2015) bởi sự bất hợp lý. Ngoài ra, theo HoREA, việc ép bán hàng phải thông qua sàn cũng có thể gây thêm những áp lực về giá nhà, liên quan đến chi phí về hoa hồng cho đơn vị phân phối.
Vì vậy, trong dự thảo “Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)”, HoREA đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ về nội dung chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo về hoạt động môi giới BĐS và cấp “chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS”. Đặc biệt, cần quan tâm việc cập nhật kiến thức hàng năm cho nhân viên môi giới và xây dựng văn hóa kinh doanh của sàn giao dịch. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận, những năm qua, hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực BĐS thường bắt đầu từ hoạt động môi giới BĐS. Sau một thời gian trải nghiệm hoạt động môi giới BĐS, tích lũy được vốn, kiến thức, nhất là am hiểu thị trường,… nên nhiều DN môi giới đã trưởng thành và trở thành chủ đầu tư phát triển dự án BĐS; trong đó thậm chí có một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS tầm cỡ hiện nay.
“Có thể thấy, Khoản 2, Điều 69 – Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 chỉ yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS phải có ít nhất 02 người có “chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS” đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp BĐS. Tuy nhiên, HoREA kiến nghị quy định này chỉ nên áp dụng trong năm đầu tiên (tròn 12 tháng) kể từ ngày thành lập sàn giao dịch BĐS. Sau thời gian “ân hạn” này thì đề nghị bổ sung quy định tất cả các nhân viên môi giới của sàn giao dịch BĐS đều phải có “chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS” để “chuẩn hóa” hoạt động của sàn giao dịch”, ông Châu nói. Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng nhấn mạnh, dự thảo đề cương Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi dự kiến bổ sung quy định “chủ đầu tư dự án BĐS phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn” là một bước thụt lùi.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)