TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An (bốn địa phương) đã thống nhất đề xuất bốn nhóm cơ chế đặc thù cho đường vành đai 3 và kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng.
Tại cuộc họp với chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An khẳng định HĐND các địa phương đã cam kết sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện tuyến đường vành đai 3. Trường hợp vốn phát sinh tăng thêm ở những dự án thành phần, các địa phương cam kết tự bố trí vốn từ ngân sách địa phương.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết các địa phương Long An, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đều có nghị quyết của HĐND thông qua. Ở đây, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trường hợp có vượt nguồn vốn thì các địa phương sẽ tự cân đối nguồn vốn; phải có kế hoạch tiến độ vốn, đảm bảo giải ngân theo tiến độ… đây là vấn đề khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, bốn địa phương thấy rằng đây là dự án cấp thiết và đã thông qua HĐND nên việc bố trí vốn không còn là vấn đề. Đối với vấn đề cho phép các địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, TP.HCM đã có kinh nghiệm trong việc phát hành trái phiếu.nÔng Mãi khẳng định TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm và chia sẻ với các địa phương trong khu vực dự án để có sự chuẩn bị trong việc phát hành trái phiếu. Quá trình này sẽ bám sát với các bộ, ngành, trung ương để hướng dẫn các địa phương trong việc phát hành trái phiếu. Như vậy, bốn địa phương tham gia dự án đường vành đai 3, tổng vốn khi có phát sinh, kế hoạch vốn… sẽ được tuân thủ.
Trong đó, về nguồn vốn, các địa phương đề xuất trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.Sở GTVT TP.HCM cho biết bốn địa phương kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương thực hiện dự án đường vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Một trong những giá trị mà dự án đường vành đai 3 mang lại đó là tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Quá trình nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TP.HCM đã rà soát quỹ đất dọc hai bên tuyến đường đi qua. Theo kết quả rà soát sơ bộ, riêng quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (đất công) khoảng 514 ha (chủ yếu là đất trống, đất nông nghiệp). Tính toán sơ bộ giá trị mang lại nếu khai thác bán đấu giá, với đơn giá tại thời điểm hiện nay, có thể thu về cho ngân sách TP khoảng 27.000 tỉ đồng (đã đảm bảo hơn 50% nguồn vốn ngân sách TP thực hiện dự án). Trong trường hợp bán đấu giá vào thời điểm đường vành đai 3 hoàn thành (dự kiến năm 2025-2026) thì số tiền thu được từ bán đấu giá sẽ còn tăng hơn nhiều.
Dự án đi qua các khu vực quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, các đầu mối giao thông lớn để phát huy hiệu quả đầu tư dự án, TP tiếp tục rà soát quy hoạch có liên quan dọc hai bên tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, giá trị tuyến đường mang lại. Từ đó phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), mở rộng không gian, diện tích đất dành cho công trình công cộng.
Các địa phương cũng đề xuất cho phép địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đồng thời điều chỉnh tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương (nguồn đấu giá quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác).
Trong chuyến khảo sát dọc tuyến đường vành đai 3, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: “Khi khảo sát dọc tuyến vành đai 3 mới thấy được sự cấp thiết của của dự án. Mặc dù đoàn khảo sát đã có CSGT dẫn đường nhưng vẫn kẹt xe dọc tuyến, mất nhiều thời gian di chuyển. Do đó, việc khởi công tuyến vành đai 3 càng sớm càng tốt. Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội để trình dự án, triển khai trong thời gian sớm nhất”.
Bốn địa phương kiến nghị cho phép địa phương điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (17.146 tỉ đồng) đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ cho TP.HCM 10.627 tỉ đồng, Đồng Nai 856 tỉ đồng, Bình Dương 4.266 tỉ đồng, Long An 1.397 tỉ đồng.
Tổng Hợp