UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch xây dựng “Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Thủ Đức” (gọi tắt là đề án) nhằm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù hiện chưa được quy định, hoặc khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2021, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phối hợp xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức trình Chính phủ trong quý II/2021. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM nên việc xây dựng đề án chưa đạt tiến độ đề ra. TS. Trần Du Lịch cho rằng cần có sự đột phá về tư duy phát triển TP. Thủ Đức, không chỉ phát triển về kinh tế – xã hội, mà còn phải là một hình mẫu về đô thị hiện đại và hiệu quả quản lý của mô hình chính quyền đô thị. Dù vậy, TP. Thủ Đức đang đối diện với các trở lực, trong đó tình trạng khiếu nại ở một số dự án chưa giải quyết xong gây ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án mới. TS. Trần Du Lịch cho rằng TP. Thủ Đức cần tăng tính tự chủ trong quy hoạch, đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy…
Theo kế hoạch, UBND TP.HCM giao các sở ngành đánh giá thực trạng phát triển của TP. Thủ Đức để xác định các điểm nghẽn về cơ chế, thẩm quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn. Về lộ trình cụ thể, trong tháng 1/2022, TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo khoa học lần 1 để lấy ý kiến các ngành, tổ chức nghiên cứu và hoàn thiện nội dung dự thảo. Sau đó, nội dung dự thảo sẽ được báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TP.HCM thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM tiếp tục làm việc với các cơ quan T.Ư, tỉnh thành lân cận, và sẽ tổ chức hội thảo lần 2 trước khi hoàn chỉnh gửi Bộ KH&ĐT thẩm định trình Chính phủ trước ngày 30/4/2022.
Cần mạnh dạn giao thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án cho TP. Thủ Đức vì có đầu tư thì mới phát triển được. Có cơ chế rồi thì phải có con người thực hiện, đó là những người có khát vọng đưa Thủ Đức đi lên chứ không chỉ “làm tròn vai”. Do vậy, TP. Thủ Đức phải có thẩm quyền tuyển chọn nhân sự, chính sách khuyến khích thu hút nhân tài, có quyền “trảm” cán bộ yếu kém và chủ động tìm kiếm người có năng lực quản lý. Qua thống kê của TP. Thủ Đức và Cục Thuế TP.HCM, tổng khoản thuế phát sinh trên địa bàn (trừ khoản thu từ xuất nhập khẩu nộp toàn bộ về ngân sách T.Ư), TP. Thủ Đức có thể thu về 35.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần chỉ tiêu pháp lệnh năm 2021 hơn 8.000 tỷ đồng. Chuyên gia Diệp Văn Sơn cho rằng nếu khoản thu này được phân bổ hợp lý, giao về cho TP. Thủ Đức thu phục vụ tái đầu tư thì quá tốt, góp phần giải quyết bài toán về nguồn vốn đầu tư.
TP.HCM sẽ tập trung vào chính sách về nguồn nhân lực, tài chính, ngân sách, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, quy hoạch và hạ tầng đô thị… nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý cho TP. Thủ Đức phát triển; bởi qua gần 1 năm thành lập, thẩm quyền và bộ máy hành chính của TP. Thủ Đức chưa có gì nổi bật hơn đơn vị hành chính cấp huyện. Với quy mô dân số hơn 1 triệu người (tương đương TP. Đà Nẵng), nếu không có cơ chế đặc thù phù hợp, áp lực đè lên bộ máy hành chính rất lớn và mục tiêu phát triển như kỳ vọng của “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước sẽ là một thách thức không nhỏ.
TP. Thủ Đức không chỉ đóng góp cho TP.HCM mà còn mang tính kết nối vùng, hỗ trợ các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đi lên. Nếu phát triển như kỳ vọng, mức đóng góp của TP. Thủ Đức lên tới 7% GDP cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)