Chính phủ quyết làm “sạch” thị trường vốn, xây dựng cơ chế quản lý tiền ảo
Nội dung được đặc biệt chú ý và là vấn đề nóng của kinh tế Việt Nam là thanh khoản của thị trường vốn và bất động sản đang nghẽn, nhiều hành vi gian lận, thao túng thị trường ảnh hưởng sự phát triển của kênh huy động vốn lớn này.
Chính phủ đặt mục tiêu, tập trung ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy thị trường trong nước; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý.
Dự thảo của Chính phủ đưa 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, năm 2023 được Chính phủ coi là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Dự thảo dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài hạn chế.
Dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương.
Đặc biệt, Chính phủ nêu rõ năm 2023 sẽ tập trung ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy thị trường trong nước; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn.
Trong đó có rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Nhìn nhận, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn.
CSTT ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn giữa.
Chẳng hạn, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản…để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. ‘
“Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Tổng Hợp
(Dân Việt, VGP)