Chính phủ đang đề xuất lên Quốc hội cho chủ trương chuyển toàn bộ các dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam (có tổng vốn đầu tư gần 118.000 tỷ đồng) từ phương thức đối tác công tư (PPP, hình thức BOT) sang đầu tư công. Các Bộ cũng đang trình phương án chỉ định thầu.
Xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI) về nội dung trên.
Thưa ông, Chính phủ đang đề xuất lên Quốc hội cho chủ trương chuyển toàn bộ các dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Ông nhận định về việc này như thế nào?
Trước thực tế và lường trước những nguy cơ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tôi cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư với một số dự án là giải pháp phù hợp nhằm kích cầu khi nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu bị suy giảm.
Để chống lại các biểu hiện suy thoái, đầu tư công là một giải pháp tích cực có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng giảm phát. Khi có đầu tư công, có dự án sẽ có chi tiêu ngân sách, dòng vốn được lưu thông sẽ tạo ra việc làm, xã hội có thu nhập, giúp giải quyết những khó khăn trước mắt.
Nhưng theo quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng chỉ nên chuyển các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam có liên quan đến an ninh Quốc gia và các dự án không được nhiều nhà đầu tư quan tâm sang đầu tư công. Bởi vì, trong giai đoạn hiện nay, vốn ngân sách cũng đang cần cho nhiều nhiệm vụ mới xuất hiện từ đại dịch Covid-19 và hướng tới giảm nợ công thì đầu tư theo phương thức đối tác công-tư vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển đất nước.
Các thành viên của Hiệp hội có ý kiến gì về phương án này?
Thực tế vừa qua, đã có nhiều nhà đầu tư (NĐT) hợp lực và đã vượt qua sơ tuyển một số dự án cao tốc Bắc – Nam. Tôi đã nhận được các đề xuất của các nhà đầu tư, mong muốn cho tiếp tục triển khai theo phương thức PPP đối với các dự án thành phần như: Mỹ Thuận-Cần Thơ; Dầu Dây-Phan Thiết; Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt.
Các NĐT cho rằng nên chọn một số dự án chứ không phải toàn bộ các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang phương thức đầu tư công.
Cũng phải nói, sau khi Bộ Giao thông vận tải hủy đấu thầu quốc tế, điều chỉnh và mời sơ tuyển đấu thầu trong nước, tôi cho rằng đây là cơ hội cho NĐT “nội” thể hiện lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào khi được tham gia xây dựng công trình quan trọng Quốc gia. Nhưng ngay tại thời điểm đó, tôi đã nêu hai thách thức lớn đối với các nhà đầu tư trong nước là thể chế về phương thức đối tác công tư ở nước ta chưa hoàn chỉnh và sẽ có khó khăn về huy động vốn tín dụng.
Về mặt thể chế, văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh hoạt động này hiện đang có hiệu lực mới ở cấp Nghị định. Chúng ta đang tập trung xây dựng Luật về phương thức đối tác công-tư (PPP) tạo hành lang pháp lý an toàn, thể hiện sự cam kết của Nhà nước trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro để NĐT yên tâm đầu tư. Một trong những vấn đề pháp lý rất quan trọng đối với NĐT là họ có những quyền gì đối với công trình mà mình đã đầu tư tiền bạc và công sức để tạo nênl; NĐT được bảo hộ đến đâu và như thế nào là phụ thuộc vào việc xác định nội dung và tính chất của quyền mà luật quy định cho các chủ thể này. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Luật PPP đang được xây dựng phải giải quyết.
Thách thức lớn thứ hai đối với các NĐT trong nước khi tham gia dự án này là vấn đề huy động vốn tín dụng. Hệ thống ngân hàng thương mại nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay dài hạn. Họ cũng phát đi thông điệp rằng hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn. Như vậy, nếu không có mô hình đa dạng trong việc huy động vốn thì bài toán huy động vốn để triên khai 8 dự án cao tốc Bắc Nam đang là thách thức mấu chốt nhất.
Tuy nhiên, bài toán khó này đã tìm được lời giải thông qua hình thức hợp vốn liên ngân hàng tại dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khi Nhà nước có chính sách cụ thể để các Ngân hàng tham gia hợp vốn. Trong tương lai, để có thể huy động nguồn vốn xã hội, chúng ta nên thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng kỹ thuật như một số nước đã thành công tạo thành kênh tín dụng mới cho các dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Ông nhận định như thế nào về việc Bộ KHĐT thiên về phương án chỉ định thầu thay vì đấu thầu rộng rãi?
-Việc lựa chọn nhà thầu trong thi công xây dựng có thể thông qua hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Mục đích cuối cùng là chọn được nhà thầu thi công có đầy đủ năng lực về con người, thiết bị và kinh nghiệm để có thể làm ra một sản phẩm xây dựng đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ với giá cả phù hợp.
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 tại Điều 22 đã quy định về chỉ định thầu đối với các gói thầu cấp bách. Các dự án cấp bách của tuyến cao tốc này mà Chính phủ nhận thấy cần triển khai nhanh góp phần kích hoạt sự phát triển nền kinh tế, nhất là tại thời điểm này sẽ mất cơ hội khi phải giành quá nhiều thời gian cho những công tác chuẩn bị, trong đó mất nhiều thời gian nhất là công việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn đã thiết lập quy trình đấu thầu rất bài bản, chặt chẽ và đương nhiên cần thời gian.
Tôi ủng hộ phương thức chỉ định thầu đối với một số gói thầu cấp bách vì các mục tiêu an ninh và các mục tiêu kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Tôi ủng hộ phương thức chỉ định thầu đối với một số gói thầu cấp bách vì các mục tiêu an ninh và các mục tiêu kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Chỉ định thầu trong các trường hợp này, không chỉ tiết kiệm đươc thời gian, kinh phí, nhân lực cho công tác đấu thầu mà các nhà thầu được chọn, không chỉ đủ điều kiện yêu cầu mà họ còn phải chịu áp lực trước sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, cộng động mà còn của chính các đối thủ nếu như có phương thức đấu thầu. Vì vậy quá trình này cần công khai, minh bạch tránh những sai sót đã từng gặp ở các dự án chỉ định thời gian qua và nhiều trường hợp, nhiều cá nhân liên quan đã vướng vòng lao lý.
Tám dự án thành phần ban đầu dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP, hình thức BOT), nay Chính phủ trình Quốc hội chuyển sang đầu tư công (đồ họa VARSI cung cấp)
Phần lớn các dự án còn lại cần tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, đúng luật. Có lẽ bị “dị ứng” nhiều năm với công tác đấu thầu theo phương thức “đấu giá”, “ép giá”, “ép tiến độ” hay “quân xanh, quân đỏ” dẫn đến hậu quả duy nhất đúng là công trình kém chất lượng, có thể xảy ra sự cố ngay khi đưa công trình vào khai thác hoặc công trình bị xuống cấp sớm.
Muốn khắc phục được tình trạng này trong đấu thầu, tôi cho rằng cần phải kiểm soát được tình trạng “đấu giá”, “ép giá”, “ép tiến độ”. Vì vậy, việc quan trọng cần khắc phục đó là việc quản lý sau đấu thầu. Phải gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tổ chức lựa chọn nhà thầu cả trong giai đoạn sau đấu thầu. Phải kiểm soát cho được các điều kiện nhà thầu cam kết trong hồ sơ dự thầu về năng lực tài chính, năng lực về con người, thiết bị.
Đồng thời, không để nhà thầu đưa vào công trường toàn công nhân “quần đen, đội nón, đi dép lê” trong khi hồ sơ dự thầu đều ghi danh thợ bậc 7. Thiết bị đều đòi hỏi chuẩn quốc tế nhưng toàn thiết bị tự chế. Chúng ta đang quá chăm chú vào khâu đấu thầu. Đấu thầu xong, giảm được kinh phí đã được coi là thành công. Việc quản lý chặt chẽ, nghiêm minh các nhà thầu sau bước lựa chọn nhà thầu, kể cả trường hợp chỉ định thầu hay đấu thầu, mới hy vọng việc đấu thầu sẽ thực sự công bằng, văn minh và căn bệnh “nan y” này của các dự án đầu tư công mới có khả năng “cắt bệnh”.
ĐẶNG PHƯƠNG