Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7/2021. Chênh lệch tiền gửi – tín dụng đã thu hẹp đáng kể, tiền nhàn rỗi của người dân để gửi thêm vào ngân hàng cũng nhỏ giọt.
Cuối tháng 7, khách hàng đang gửi hơn 10,3 triệu tỷ đồng tại hệ thống TCTD, giảm hơn 24.600 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Nguyên nhân là tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp bất ngờ giảm tới hơn 25.900 tỷ, trong khi tiền gửi dân cư tăng rất ít (chỉ tăng hơn 1.200 tỷ đồng).
Mặc dù giảm trong tháng 7/2021 nhưng tiền gửi của nhóm doanh nghiệp vẫn tăng 4,25% so với đầu năm và đạt hơn 5 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,97%. Trước đó, trong năm 2019-2020, tiền gửi của khách hàng trong tháng 7 vẫn có tăng trưởng từ 9.000-15.000 tỷ đồng.
Trong vài tuần gần đây, lãi suất huy động có diễn biến trái chiều ở nhiều ngân hàng. Cụ thể, lãi suất được điều chỉnh giảm khoảng 10 – 30 điểm cơ bản ở các NHTM lớn như BIDV, Techcombank, Sacombank,… trong khi các ngân hàng nhỏ như Baovietbank, PGBank điều chỉnh tăng. SSI cho răng, việc một số ngân hàng nhỏ ngược chiều tăng lãi suất một phần là do áp lực của Thông tư 08/2020, có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất cho vay.
Theo đánh giá của các chuyên gia tăng trưởng tiền gửi hầu như đi ngang trong suốt 3 tháng qua là do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung. Hiện chênh lệch tiền gửi – tín dụng là khoảng 570 nghìn tỷ đồng, trong khi cuối năm 2020 là khoảng 830 nghìn tỷ. Như vậy, có thể thấy chênh lệch tiền gửi – tín dụng đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.
Tổng dư nợ nền kinh tế lúc này con số tròn là khoảng 10 triệu tỷ, số chính xác là 9. 870.000 tỷ, và có 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay đang có sự hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, bình thường không phải là trong điều kiện có dịch thì cũng đã chiếm khoảng 3,3 triệu tỷ, tức là 1/3 tổng dư nợ nền kinh tế. Gồm những lĩnh vực rất quan trọng như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và một số lĩnh vực khác nữa đều là những lĩnh vực rất cần thiết được hỗ trợ.
Đối với ngành ngân hàng, Phó thống đốc thông tin, về hỗ trợ lãi suất thì từ khi có dịch đến nay, trước khi đến đợt bùng phát lần thứ tư thì hỗ trợ lãi suất của toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại đối với nền kinh tế là 17.000 tỷ; bắt đầu từ đợt lần thứ tư này và gần đây nhất thì 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất cũng đã cam kết gói hỗ trợ là 20.400 tỷ từ nay đến cuối năm. Ngoài ra 4 ngân hàng thương mại nhà nước có vốn nhà nước lớn thì tổng số các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ từ cách đây một tháng cho đến cuối năm là khoảng 24.500 tỷ, và số đã thực hiện cho đến ngày 16/9 là khoảng 8.821 tỷ.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)