Để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định mới (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020), ngay đầu năm 2020, các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank cần bổ sung một lượng vốn khá lớn.
Đó là nội dung trong báo cáo gửi Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank.
Các ngân hàng này đều có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống, đặc biệt là VietinBank và Agribank đã sát ngưỡng tối thiểu quy định 9%. Kể từ ngày 01/01/2020, các ngân hàng phải đáp ứng CAR tối thiểu 8% theo quy định mới, phù hợp với chuẩn mực vốn quốc tế Basel II. Với quy mô vốn hiện nay, khi quy định mới có hiệu lực, các ngân hàng sẽ không đáp ứng CAR tối thiểu theo quy định, dự kiến CAR tại thời điểm 31/12/2019 của VietinBank chỉ đạt 5.89%, VCB là 7.43%, BIDV là 4.35% và Agribank là 6.9%.
Để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, trường hợp không được tăng vốn, các ngân hàng phải giảm, thậm chí phải dừng tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và khả năng thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia có sự tham gia cấp tín dụng của các ngân hàng này.
VietinBank dự kiến thiếu hụt 26,630 tỷ đồng, Vietcombank dự kiến thiếu hụt 6,248 tỷ đồng, BIDV dự kiến thiếu hụt 41,672 tỷ đồng, Agribank dự kiến thiếu hụt 11,500 tỷ đồng.
Trường hợp không được cấp bổ sung vốn điều lệ, ngay đầu năm 2020, Agribank cũng phải giảm mạnh dư nợ tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập của trên 4 triệu khách hàng là các cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn nông thôn…
Với vai trò và vị trí của các ngân hàng như nêu trên, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bị giảm sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng nền kinh tế, GDP năm 2020 khó đạt được kế hoạch.
Năm 2020, GDP dự kiến tăng trưởng 6.8%, theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự kiến mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và mức tăng trưởng tín dụng của các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank cũng phải đạt khoảng 14%.
Chính phủ đã thống nhất nguồn và số vốn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng như sau:
Đối với VietinBank, nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phần là toàn bộ Lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của năm 2017, 2018 để tăng vốn điều lệ cho năm 2019. Trong đó, cổ tức được chi trả bằng cổ phần cho cổ đông Nhà nước có giá trị là 4,532 tỷ đồng.
Đối với Vietcombank, nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phần là Lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 8% năm 2018 để tăng vốn điều lệ cho năm 2019. Trong đó, cổ tức được chi trả bằng cổ phần cho cổ đông Nhà nước có giá trị là 5,014 tỷ đồng.
Đối với Agribank, nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là số tiền Agribank thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020.
Trường hợp các ngân hàng được tăng vốn điều lệ như đề xuất của NHNN, quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ thay đổi: VietinBank tăng từ 37,234 tỷ đồng lên 44,000 tỷ đồng, Vietcombank tăng từ 37,088 tỷ đồng lên 43,791 tỷ đồng, Agribank tăng từ 30,473 tỷ lên 33,973 tỷ đồng.
Hàn Đông