Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, phí thu này sẽ được nộp vào ngân sách và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa và nâng cấp các tuyến cao tốc
“Thu phí không phải vì lợi nhuận”
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), sau khi Quốc hội thông qua Luật đường bộ, bộ này đang gấp rút hoàn thiện đề án thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo các chuyên gia, việc thu phí là cần thiết trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, mức phí cần hợp lý để không trở thành gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp khi chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao hàng đầu thế giới.
Bộ Giao thông Vận tải cũng thông tin, dự kiến sẽ thu phí tại các tuyến cao tốc đang khai thác: Lào Cai – Kim Thành, Hà Nội – Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ (QL) 45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Bến Lức – Trung Lương, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu. Các tuyến cao tốc đang xây dựng đến năm 2025 sau khi hoàn thành cũng sẽ thu phí.
Theo một lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Cục đã xây dựng Đề án thu phí tại những tuyến cao tốc đầu tư công, đồng thời hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn để triển khai nội dung này. Đây là vấn đề mới ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại của người dân, doanh nghiệp nên cần được thảo luận kỹ lưỡng.
Song, quan điểm của Bộ GTVT là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận mà chủ yếu để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
Vì sao phải thu phí?
Theo PGS TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) việc đề xuất thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là đúng. Chủ trương này đã được đề xuất, kiến nghị với chính phủ trong nhiều năm nay.
PGS.TS Thịnh nêu thực trạng, các dự án BOT, BT đầu tư kinh doanh chuyển giao đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua, nhiều lần doanh nghiệp phải đề xuất dùng ngân sách nhà nước để “giải cứu”. Thêm nữa, khi chính phủ có kế hoạch thực hiện tuyến cao tốc phía Đông, chúng ta đã tổ chức đầu thầu, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu vì họ có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh mẽ. Và câu chuyện các doanh nghiệp nước ngoài làm các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm.
Vì vậy, việc nhà nước đứng ra đầu tư, phát hành trái phiếu để vay tiền người dân làm đường cao tốc, sau đó thu phí để trả lại là cần thiết. Đây có thể nói là phương án hiệu quả nhất để phát triển nhanh, bền vững hệ thống giao thông, đảm bảo chất lượng các tuyến đường cao tốc.
“Doanh nghiệp Việt nhỏ, năng lực còn yếu, làm đường thì cũng chỉ đủ tài chính cho một quãng đường nhất định, chất lượng đôi khi còn chưa đảm bảo, kiểm tra giám sát khó hơn. Do đó, nhà nước cần thể hiện vai trò nhà đầu tư để thống nhất quản lý”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, về cơ bản các tuyến đường cao tốc thu phí không phải đường độc đạo, do đó người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn các tuyến đường khác không thu phí. Việc thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhằm mục đích để bù đắp tiền xây dựng tuyến đường và tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến đường cao tốc khác.
Nhiều năm vừa qua, nhà nước gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để phát triển hệ thống giao thông, nên phải sử dụng đến các hình thức BT, BOT. Đặc biệt, hình thức BOT gặp nhiều vướng mắc ở khâu vận hành, khiến nhiều dự án gặp khó trong việc thu phí và hoàn vốn.
Khi mà ngân sách đã có thể sắp xếp, thì nhà nước bỏ tiền ra để làm cao tốc, có 2 khả năng. Một là nhà nước không thu phí, vì không có nhu cầu hoàn vốn, phục vụ người dân. Thứ hai, nhà nước thu phí và dùng số tiền đó để làm các dự án giao thông khác, không phải lúc nào cũng dùng đến ngân sách. Do đó, việc thu hay không thu phụ thuộc vào từng thời điểm, tình trạng ngân sách và mục tiêu thu phí của cao tốc đó.
Khi được hỏi về mức phí thu bao nhiêu là hợp lý, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, đề xuất trước đây của Bộ GTVT, mức thu phí trên cao tốc Bắc – Nam trung bình là 1.500 đồng/km, và tăng theo lộ trình, mức này phù hợp với giá cả thời điểm đó và tương đương với doanh nghiệp BOT đang tính toán để thu.
“Mức phí thu phụ thuộc vào thời giá thời điểm tính toán, lộ trình và thời gian thu phí trong bao nhiêu năm theo kế hoạch của nhà nước”, PGS.TS Thịnh nói thêm.
Theo lãnh đạo của Cục đường bộ Việt Nam, hình thức thu phí chủ yếu cơ quan nhà nước sẽ thuê hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý và vận hành thu phí. Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh – quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường hoặc bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định.
Về mức phí, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và chi phí logistics.
“Theo dự kiến từ 01/10, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ đủ điều kiện để thu phí, song việc triển khai như thế nào, mức thu bao nhiêu phải chờ các đơn vị thảo luận và trình Chính phủ thống nhất”, vị lãnh đạo này thông tin thêm.