Vừa qua tại Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” nhiều báo cáo cho biết, có hiện tượng công ty tài chính cho vay lãi suất quá cao bẫy tín dụng đen…
Để tiếp tục đẩy lùi tín dụng đen thời gian tới, giải pháp quan trọng nhất là truyền thông, lên án, cảnh báo cho người dân về các hình thức tín dụng đen để người dân tìm tới kênh vay vốn chính thống, tránh được bẫy tín dụng đen. Tiếp theo là các tổ chức tín dụng phải mở rộng kênh cho vay chính thức, tăng cường mạng lưới, phòng giao dịch ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn; cần coi cho vay tiêu dùng, hỗ trợ người dân vượt khó là một trong những định hướng quan trọng.
Thời gian qua cũng xảy ra tình trạng, một số công ty tài chính chính thống nhưng ứng xử khi thu nợ không khác gì tín dụng đen gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của các tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN đang làm rõ quy trình, đưa vào quản lý chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội.
Hình thức của hoạt động tín dụng đen cũng ngày càng tinh vi. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)…;mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng…Thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy giá trị vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
Đại diện Bộ Công an cho biết, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1.047 vụ/1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.
Để đẩy lùi “tín dụng đen”, lãnh đạo BIDV đề nghị NHNN phối hợp cùng các bộ/ngành phát triển các công cụ tài chính vi mô để hỗ trợ cho vay đối với người dân có thu nhập thấp, không ổn định, dưới chuẩn ngân hàng, sớm ban hành các quy định và quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng; đề nghị NHNN phối hợp cùng các bộ/ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý trong cho vay online của tổ chức tín dụng (TCTD). Trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số Quốc gia, một số NHTM đã kiến nghị Chính phủ và các bộ/ngành liên quan xem xét, sớm nghiên cứu cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu quốc gia giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt các TCTD/công ty tài chính (CTTC).
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)