Câu chuyện hạ lãi suất ngất hàng đang “nóng” trong giới đầu tư và các chuyên gia tài chính sau đề xuất giảm lãi suất cho vay của NHNN. Cũng cần lưu ý về những mặt trái khi “tiền rẻ”.
Nếu áp dụng chính sách lãi suất rẻ, có thể làm tăng khả năng vay mượn của người dân vào mục đích đầu cơ bất động sản. Khi dòng tiền đổ vào bất động sản quá lớn, giá sản phẩm tăng mạnh, đến một ngưỡng nào đó sẽ tạo ra bong bóng và khi vỡ sẽ có thể để lại hệ lụy lớn trên thị trường.
Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ như vậy khi hiện tại, hiện tượng đầu cơ đất đai ở nước ra vốn dĩ đã nhiều. Tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương vào đầu năm nay là một biểu hiện dễ nhận thấy. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng bong bóng có thể xảy ra đối với các thị trường tài sản đang tăng trưởng nhanh như: Chứng khoán, bất động sản. Cơ quan này cho rằng, bên cạnh sự khởi sắc của bức tranh kinh tế trong quý 1/2021, đã xuất hiện vấn đề cần chú ý khi nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn. Nguyên nhân khiến dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản là do lãi suất thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, quy hoạch còn hạn chế khiến các đối tượng môi giới tạo nên các cơn sốt đất đẩy giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh.
Trong lĩnh vực tài chính, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Trên thị trường chứng khoán có một nghịch lý là tổng mức huy động vốn vào thị trường tăng cao nhưng giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không hoàn toàn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trước hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ, các chuyên gia cũng khuyến cáo cơ quan quản lý cần có động thái cảnh báo cho các nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào khi chưa có sự hiểu biết, phân tích thấu đáo. Ðặc biệt không vay mượn, dùng đòn bẩy tài chính ở hệ số cao để đầu tư. Về phía các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn hiện tượng sốt đất và kênh đầu cơ mới xuất hiện, điển hình là lan đột biến, tiền ảo…
Mặt bằng chung lãi suất thay vì rục rịch tăng như cách đây 1 tháng sẽ phải đổi chiều giảm. Điều này sẽ tạo một bức tranh kinh tế vĩ mô có lợi cho thị trường chứng khoán trong trung hạn. Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay có tác động tích cực đến toàn nền kinh tế, giảm gánh nặng chi phí cho bộ phận doanh nghiệp. Trong đó những lĩnh vực như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… sẽ được hưởng lợi khi tận dụng tốt cơ hội này.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các doanh nghiệp và người dân lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản do kinh doanh thua lỗ bởi những ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, đồng thời giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này. Thực hiện yêu cầu này, vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có cuộc họp trực tuyến với 16 ngân hàng thành viên. Bao gồm: Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank.
Qua đó các ngân hàng đã thống nhất sẽ giảm lãi suất khoản vay hiện hữu cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, thực hiện ngay trong tháng 7 cho đến hết năm 2021. Các ngân hàng cho biết sẽ giảm lãi tuỳ từng đối tượng và chủ yếu là hỗ trợ cho các đối tượng thực sự khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng đều đồng thuận với việc giảm lãi suất, tuy nhiên cũng bày tỏ nhiều băn khoăn như việc giảm lãi suất nên hướng tới đối tượng thực sự bị ảnh hưởng, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… Còn các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất.
Tĩnh Kiên