Báo cáo tài chính quý I/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ dưới chuẩn gia tăng. Ngành ngân hàng cần có giải pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu phát sinh.
Ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, OCB cho biết, công tác xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo là yêu cầu thường xuyên, liên tục của các tổ chức tín dụng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung, song song với sự phát triển quy mô tín dụng và các sản phẩm cho vay. Các biến động kinh tế – xã hội trong và ngoài nước gần đây cũng đặt ra các thách thức mới trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Do đó, cần sự chủ động động và tích cực hơn nữa từ chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất hơn cho các tổ chức tín dụng và đáp ứng kỳ vọng của xã hội, đất nước.
Một lãnh đạo cao cấp Eximbank nhận định, nợ xấu là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, đặc biệt tại Việt Nam khi tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản, mang lại nguồn thu nhập lớn nhất song cũng là hoạt động mang lại rủi ro nhất cho ngân hàng. Chính vì thế, để phát triển an toàn, hiệu quả hoạt động, các ngân hàng thương mại cần chú trọng chất lượng cấp tín dụng, dịch vụ và quản lý nợ xấu.
“Trong đó, quản lý nợ xấu là vấn đề rất quan trọng. Đây là nguyên nhân có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đồng thời làm ngưng trệ lưu thông nguồn vốn trong nền kinh tế”, vị lãnh đạo Eximbank nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 và Thông tư 03 ngày 23/4/2023, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023. Thông tư 02 cho phép tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kèm một số điều kiện cụ thể với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính; việc này được thực hiện từ nay đến hết tháng 6/2024. Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán trước đó (không cần chờ sau 1 năm như quy định cũ) với một số điều kiện cụ thể, thực hiện từ nay đến hết năm 2023; qua đó góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay.
Liên quan đến trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: “Lượng mua lại dự báo không nhiều do trái phiếu doanh nghiệp đó phải được phát hành bởi doanh nghiệp có tình hình hoạt động lành mạnh (nhóm xếp hạng tín dụng cao nhất) theo đánh giá của các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, Thông tư 02 cũng chỉ là giải pháp tình thế để các doanh nghiệp được tiếp tục tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời ghi nhận nợ xấu từ từ khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024, tránh hiện tượng nợ xấu tăng đột ngột, gây khó khăn cho cả bên vay và hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Theo TS. Cấn Văn Lực, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết liệt, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (gồm cả chính sách tài khóa về giãn, hoãn, giảm thuế, phí…), nhưng dự báo nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có thể còn tăng trong năm 2023. Rủi ro tín dụng gia tăng do khách hàng phải chịu tác động cộng hưởng từ những rủi ro còn lại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với tình hình kinh tế trong nước, quốc tế có những khó khăn và mặt bằng lãi suất vẫn còn ở mức cao.
“Đặc biệt, trong bối cảnh thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ được kéo dài đến hết năm 2023, việc luật hóa các quy định xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý bền vững cho xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng: “Cần tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhanh chóng thu hồi vốn, giải phóng nguồn vốn cho ngân hàng hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ giúp ổn định hoạt động ngân hàng, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế”.
Cụ thể, nợ xấu tại Eximbank trong quý đầu năm 2023 tăng gần 30%, lên 3.047 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,3% và dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 7%. Tương tự, cuối quý I/2023, số dư nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2022, đưa tỷ lệ nợ xấu từ hơn 1% lên gần 1,76%. Tại ACB, nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 trong quý I/2023 tăng 31,5%, lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,74% lên 0,97%…
Số liệu mới nhất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 2/2023 là 2,91%, tăng so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,49% cuối năm 2021 và mức 2% cuối năm 2022. Mặc dù theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 3%, nhưng qua rà soát, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái…).
“Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Điểm tích cực là hệ thống các tổ chức tín dụng đã chú trọng và có hành động thiết thực nhằm đảm bảo an toàn hoạt động thông qua tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Theo đó, các tổ chức tín dụng duy trì tỷ lệ bao nợ xấu ở mức tương đối cao (khoảng 125% cuối năm 2022), trên mức trung bình của 5 năm qua (109,4%) và gấp đôi so với 10 năm trước (61% cuối năm 2012). Nhiều tổ chức tín dụng chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhằm tăng nguồn lực để ứng phó với nợ xấu phát sinh và gia tăng, trong đó có tỷ lệ bao nợ xấu cuối năm 2022 của Vietcombank đạt 317%, MB đạt 238%, BIDV đạt 215%…
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói: “Nợ xấu tăng, các ngân hàng buộc phải trích lập nhiều dẫn đến chi phí tín dụng tăng và ít có dư địa để giảm lãi suất”.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thừa nhận: “Lãi suất huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư thời gian qua tăng cao. Các ngân hàng thương mại đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất, nhưng điểm lớn nhất trong cấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn, các ngân hàng có cơ hội giảm đáng kể lãi suất cho vay”.
Tổng Hợp
(ĐTCK)