Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không được phép đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác, trừ trường hợp vay đối với trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, kho tàng…
Tờ trình của Bộ tài chính về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cho biết, cùng với việc bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư do áp dụng mô hình vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro; bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư…, dự thảo mới cũng bổ sung quy định về đầu tư ra nước ngoài, định giá tài sản đầu tư.
Tính đến hết tháng 5/2021, Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 628.388 tỷ đồng (tăng 23,18% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 103.603 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.785 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 512.864 tỷ đồng (tăng 26,73% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 53.243 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 459.621 tỷ đồng.
Theo Điều 150 quy định trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không được phép đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác, trừ trường hợp vay đối với trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, kho tàng… Không được đầu tư bất động sản, trừ trường hợp mua, đầu tư sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm; Cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, chi nhánh; Nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản. Không cho vay trừ trường hợp cho vay theo Luật Các tổ chức tín dụng và cho doanh nghiệp bảo hiểm khác vay ký quỹ theo hướng dẫn của Chính phủ. Không đầu tư vào kim loại quý, quỹ thành viên theo quy định của Luật Chứng khoán. Không đầu tư tài sản cố định vô hình, trừ trường hợp phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp. Không đầu tư chứng khoán phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm hoặc hợp đồng tái bảo hiểm… Quy định về việc đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được đầu tư ra nước ngoài theo quy định pháp luật đối với phần vốn chủ sở hữu còn lại sau khi trừ đi phần vốn đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh toán theo quy định của Luật này; Phần vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của các hợp đồng bảo hiểm có quyền lợi liên kết các chỉ số đầu tư của nước ngoài và phần vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của các hợp đồng bảo hiểm được giao kết cho các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài.
Việc đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm; Thực hiện quản lý và theo dõi tách biệt nguồn vốn đầu tư, tài sản đầu tư, doanh thu, chi phí của hoạt động đầu tư ra nước ngoài; Không được sử dụng tiền, tài sản của người tham gia bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Nếu như việc kinh doanh của các doanh nghiệp khác phải dựa hoàn toàn vào vốn tự có, thì đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, việc kinh doanh chỉ dựa một phần vào vốn điều lệ ban đầu còn lại chủ yếu là huy động từ việc thu phí của khách hàng tham gia bảo hiểm với phương châm số tiền huy động được từ những người tham gia bảo hiểm phải được sử dụng để phục vụ lại những người tham gia bảo hiểm. Do đó, kinh doanh bảo hiểm là một hoạt động kinh doanh có điều kiện không chỉ điều kiện về loại hình doanh nghiệp mà còn phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định.
Nhật Hạ