Các tổ chức tín dụng rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản. Trong những năm gần đây, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vẫn đạt kết quả khả quan…
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thống đốc NHNN chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các TCTD đầu tư trái phiếu DN, tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, phân phối… trái phiếu DN, đặc biệt là trái phiếu của các DN bất động sản lãi suất cao, DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, DN phát hành không có tài sản bảo đảm…
Ngày 14/4/2022, tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đánh giá thêm cơ cấu nợ trong mỗi lĩnh vực. Đặc biệt, vấn đề trái phiếu DN đã cảnh báo nhiều lần rồi chứ “không phải bây giờ mới cảnh báo” và “chắc chắn tới đây rất nóng”.
Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục tăng cường giám sát sự tham gia của ngân hàng vào thị trường trái phiếu. Các chuyên gia cho rằng, NHNN nên phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá và có những phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu DN gần đây, đặc biệt liên quan 2 tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh.
Hồi đầu tháng 11/2021, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu DN. Thông tư quy định, TCTD chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất tại tất cả TCTD; không được mua lại trái phiếu DN chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô hoặc đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu DN cho các công ty con…
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc NHNN ban hành quy định về kiểm soát phát hành trái phiếu DN không chỉ nhằm hạn chế vốn tín dụng đổ quá nhiều vào trái phiếu DN BĐS, mà để đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng. Bởi trên thực tế, tín dụng BĐS thời gian qua có “biến tướng” trong phát hành trái phiếu DN, nở rộ nhất là vào năm 2020 và 2021.
Việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu DN thời gian qua có thể nhằm mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho DN. Đơn cử, nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp DN trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và DN “bắt tay” dùng trái phiếu DN để đảo nợ. Mặt khác, trái phiếu DN có thể là cách giúp các ngân hàng thương mại vừa “lách luật” để cho vay DN BĐS, các công ty chứng khoán lại vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa làm sạch bảng cân đối tài chính.
Trong những năm gần đây, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vẫn đạt kết quả khả quan, trong đó một phần đến từ việc các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu DN, vốn cũng được tính vào tăng trưởng tín dụng. Trong năm nay, mới quý I, tín dụng đã đạt 5,04%.
Từ sự vụ của Tân Hoàng Minh, liệu còn có bao nhiêu thương vụ phát hành trái phiếu của các DN trên thị trường vẫn đang tiềm ẩn rủi ro, nhất là DN bất động sản (BĐS) phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi DN BĐS gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu đều có thể bị vạ lây.
Con số được Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) tổng hợp tại bản báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu DN Việt Nam năm 2021 cho thấy, các DN phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng trong cả năm 2021, tăng 56% so với năm 2020. Các DN BĐS phát hành 318.200 tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu DN phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.
Đáng chú ý, trong số các trái phiếu DN phát hành riêng lẻ, có tới một nửa trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính DN phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và khó định giá chính xác. Thậm chí, trong số hơn 100 DN BĐS phát hành riêng lẻ đầu năm nay, có tới 26 DN thua lỗ…
Các ngân hàng và công ty chứng khoán hiện là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp, khi nắm giữ đến 52% tổng lượng trái phiếu DN phát hành trong năm 2021, với tổng giá trị lên tới 373.000 tỷ đồng. Trong số đó, 2 nhóm nhà đầu tư này mua 154.000 tỷ đồng, chiếm 68% trái phiếu ngân hàng phát hành và 153.000 tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu BĐS phát hành. Điều này có thể gây rủi ro lớn cho trái chủ, mà cụ thể ở đây là các ngân hàng thương mại trong trường hợp dòng tiền của DN không được đảm bảo.
Trường hợp thứ hai, các ngân hàng mua trái phiếu DN với lãi suất cao, sau đó bán lại cho nhà đầu tư cá nhân với lãi suất thấp hơn. Thanh khoản của các ngân hàng cũng có thể chịu áp lực khi nhà đầu tư lo sợ rủi ro trái phiếu DN trong tình hình hiện nay và yêu cầu được tất toán trước hạn, khi mà trái phiếu do các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán phân phối cho nhà đầu tư cá nhân thời gian qua có cam kết mua lại trái phiếu trước hạn.
Tổng Hợp