Rất nhiều doanh nghiệp và tập đoàn hạ giá bán bất động sản từ 10-20%. Thậm chí, có nhiều dự án chung cư, nhà ở đã đưa ra chương trình chiết khấu cao. Các dự án chung cư giảm giá, tăng chiết khấu có phải “chiêu trò” huy động vốn của doanh nghiệp?
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ quý IV/2022, rất nhiều doanh nghiệp và tập đoàn hạ giá bán bất động sản từ 10-20%. Thậm chí, có nhiều dự án chung cư, nhà ở đã đưa ra chương trình chiết khấu cao. Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc bán cắt lỗ cũng diễn ra phổ biến.
Trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường bất động sản giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp bất động sản hụt hơn vì thiếu vốn, việc giảm giá bán hay tăng chiết khấu được xem giải pháp cứu cánh nhằm kích cầu người mua, tăng thanh khoản. Giá chung cư tại các dự án mới đang có nhiều chiết khấu nhưng để được áp dụng các chiết khấu cần rất nhiều điều kiện. Thậm chí, có những dự án khách hàng phải đóng tiền tươi từ 90-95% mới có cơ hội sở hữu.
Nhận xét chung về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các chương trình ưu đãi là giải pháp để doanh nghiệp tự “giải cứu” mình khi việc tiếp cận các kênh dẫn vốn đang trở nên vô cùng khó khăn. Các chính sách chiết khấu sâu cũng đang góp phần kéo bất động sản trở về giá trị thực, thay vì mức giá quá cao trong những năm qua.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khi giảm giá xuống chủ đầu tư sẽ cắt các gói này, yêu cầu thanh toán một lần tới 95%. Vì vậy, bản chất là có giảm nhưng nếu tính theo các gói ưu đãi, chiết khấu dòng tiền thanh toán sớm thì thực chất giảm cũng không quá sốc như mọi người thấy.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, thị trường bất động sản hiện tại có sự chênh lệch rất lớn giữa giá bán và giá trị thực của sản phẩm. Việc các chủ dự án tăng mạnh các chính sách ưu đãi ở thời điểm hiện tại là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, họ sẽ tìm cách huy động vốn từ các nguồn khác.
“Khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp tung chiết khấu cao nhưng thực chất họ vẫn có lãi, bởi doanh nghiệp sẽ không bao giờ chịu bán lỗ mà chỉ giảm lãi”, ông Hiển nhận định.
Thời gian qua, trên các diễn đàn, hội, nhóm mua bán bất động sản, nhà đất xuất hiện thông tin dự án chung cư căn hộ Hà Nội Melody Residences thuộc khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) giảm giá sâu sau khi được chiết khấu, có căn còn khoảng 25 triệu đồng/m2. Chính sách này được áp dụng từ ngày 7/2 đến ngày 28/2.
Đơn cử, như tại một nhóm mua bán bất động sản trên mạng xã hội Facebook, đối với dự án chung cư Melody Residences có căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 74m2, giá niêm yết 3,3 tỷ đồng (tương đương 44,5 triệu đồng/m2) sau khi chiết khấu giảm còn 1,85 tỷ đồng (tương đương 25 triệu đồng/m2), với điều kiện khách hàng phải thanh toán trước 95% giá trị căn hộ. Hay một căn 146m2, có 3 phòng ngủ giảm từ 7,4 tỷ đồng xuống còn 4,17 tỷ đồng, tương đương giảm 28%, khi khách hàng thanh toán 95% giá trị căn hộ.
Theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu bất động sản CBRE Việt Nam, mức chiết khấu dao động từ 20% đến 45% tuỳ thuộc vào tiến độ thanh toán cũng như các khuyến mãi khác đi kèm. Các chủ đầu tư chiết khấu cao do gặp nhiều áp lực về tài chính, cũng như dự án còn đang ở giai đoạn chưa hoàn thiện toàn bộ hồ sơ pháp lý.
Lý giải hiện tượng chung cư nguồn cung ít nhưng giao dịch không nhiều, bà Dương Thuỳ Dung, Trưởng bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam, cho biết, giá căn hộ bị đẩy lên quá cao so với mặt bằng tài chính của người mua. Giá bán căn hộ chung cư trung bình tại Hà Nội vào khoảng 50 triệu đồng/m2, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự án chung cư cũ, mức giá trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tình hình bán hàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các vấn đề thắt chặt tín dụng và môi trường lãi suất tăng khiến tốc độ bán chậm lại”, bà Dung cho hay.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, đánh giá, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đã tăng lên ở mức cao và có thể lên đến 15% sau giai đoạn ưu đãi, khiến cho khả năng tiếp cận vốn vay hạn chế và tạo ra tâm lý e ngại của người mua nhà, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chịu nhiều thách thức. Nhiều thông tin thiếu tích cực về các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng phần nào khiến cho người mua nhà chần chừ trong việc đưa ra các quyết định.
Đưa ra tư vấn, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, cho rằng, giá thành vẫn chưa thực sự phù hợp với nguồn cầu của đại đa số. Vì vậy, chủ đầu tư cần đưa ra sản phẩm có tổng giá thành vừa túi tiền hơn, cần tính toán kỹ càng để có chi phí đầu ra phù hợp.
Theo bà Hằng, chủ đầu tư có thể cân nhắc các cơ hội hợp tác đầu tư với những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính. Bên cạnh việc kết hợp với các đơn vị trong nước thì hiện nay các đơn vị nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc… đều là những doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác đầu tư trong điều kiện dự án có cơ sở pháp lý tốt, điều kiện mặt bằng sẵn sàng và chủ đầu tư quyết tâm trong việc hợp tác kinh doanh.
Đánh giá triển vọng thời gian tới, đại diện CBRE dự đoán, thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 với nguồn cung hạn chế, tính thanh khoản thấp do người mua nhà vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Giá bán dự báo sẽ tăng 4-7% mỗi năm trong vòng 3 năm tới.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Vietnamnet)