Các công ty trúng đấu giá đa số mới thành lập với số vốn điều lệ không lớn. Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ mới được thành lập ngay trước đợt đấu giá này nhưng đã mua tài sản ngàn tỷ, liệu những đây có phải điều bất cập…
Ngày 17/12, các doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại buổi đấu giá ngày 10/12 đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua 4 lô đất trên với các cơ quan chức năng của TPHCM. Theo đó, việc ký hợp đồng được thực hiện giữa 3 bên, gồm doanh nghiệp trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM.
Sau khi ký hợp đồng, 4 công ty này sẽ nhận được thông báo thuế của cơ quan thuế. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải chuyển khoản 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. Trong 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại. Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng mua bán và bị hủy kết quả trúng đấu giá. Nếu 4 doanh nghiệp đã hoàn tất việc nộp tiền, cơ quan chức năng của TPHCM sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị trúng đấu giá và giao đất trong hạn không quá 5 ngày làm việc sau khi cấp “sổ đỏ”.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ mua bán đấu giá tài sản TPHCM cho biết, khi tổ chức đấu giá, trung tâm đã nêu rõ về đối tượng và điều kiện tham gia đấu giá. Cụ thể, đối tượng tham gia phải thực hiện cam kết bằng văn bản với các nội dung như có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các ngân hàng, thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định trong hợp đồng mua bán, có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án…
Thông tin đấu giá thành công 4 khu đất ở Thủ Thiêm lập tức có tác động đến thị trường bất động sản khu vực này. Trong khi thị trường sơ cấp khan hàng, hiện các căn hộ thứ cấp có mức chênh lệch giá lên đến 3-4 tỷ đồng/căn. Trước xu hướng tăng giá mạnh, ngày 16/12, một chủ đầu tư đã thu hồi rổ hàng chỉ còn vài chục căn hộ cuối cùng để làm lại giá. Theo giới đầu tư bất động sản, câu chuyện tăng giá theo xu hướng chung, tạo lập mặt bằng giá mới chỉ là sớm hay muộn tại TPHCM.
TPHCM sẽ bị áp lực trong việc tổ chức đấu giá những lô đất còn lại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và cả trên toàn địa bàn. Giá đất đã được đẩy lên cao không chỉ làm thành một cái “neo” cho các dự án xung quanh mà còn tác động đến giá khởi điểm của những lô đất mà TPHCM sẽ đưa ra bán đấu giá sắp tới. Sẽ không có ai dám định giá thấp hơn nhiều so với mức đấu giá thành công vừa qua vì có thể sẽ bị quy thiếu trách nhiệm, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Nhưng nếu đưa ra giá quá cao thì liệu sẽ có doanh nghiệp nào tham gia đấu giá hay không?
Như Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 hơn 5.000 tỷ đồng được thành lập ngày 24/9 có trụ sở tại Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (SN 1992), ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12 tăng vốn lên 200 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đưa ra mức giá 24.500 tỷ đồng để sở hữu lô đất 3-12, cao gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm. Với mức chi bình quân trên 2,4 tỷ đồng/m2, khu đất này thuộc diện đắt đỏ bậc nhất trên thế giới. Còn lô đất 3-5 được bán cho Công ty Dream Republic với mức giá 3.820 tỷ đồng và lô đất 3-8 được Công ty Sheen Mega mua lại với mức giá 4.000 tỷ đồng. Dream Republic là công ty bất động sản được thành lập tháng 10/2017, còn Sheen Mega được thành lập tháng 11/2019.
Thị trường bất động sản TPHCM đang “dậy sóng” với thương vụ đấu giá đất của Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản TPHCM, khi tổng giá trị được chốt là 37.346 tỷ đồng. Các lô được bán mang các ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 thuộc khu chức năng số 3, khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức.
Dream Republic thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, do ba cổ đông cá nhân góp vốn là Trần Thị Mộng Linh, Đặng Minh Thắng, Trương Ích Quốc với tỷ lệ 40%, 30% và 30%. Bà Linh, ngoài vai trò đại diện pháp luật tại Dream Republic, còn đại diện cho Công ty TNHH Tú Linh, Công ty TNHH Speed Pro.
Ông Đặng Minh Thắng là người đại diện theo pháp luật của 5 doanh nghiệp, gồm Công ty Dịch vụ Supreme Performance, Công ty Công nghệ Innoware. Công ty TNHH Đầu tư City Link, CTCP Đầu tư City Field và Công ty TNHH Kết nối Sáng tạo Weedoo. Tại Công ty Công nghệ Innoware, ông Thắng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, trong khi hai thành viên còn lại là Trương Huệ Vân và Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh). Trương Huệ Vân, sinh năm 1988, là thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương, đứng sau Vạn Thịnh Phát. Còn ông Trương Ích Quốc là đại diện Công ty TNHH Golden Universe, đồng thời cũng góp vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư City Field – công ty do ông Thắng là người đại diện theo pháp luật.
2 trong 4 doanh nghiệp tạo nên phiên đấu giá kỷ lục tại Thủ Thiêm có tài sản dưới 100 triệu đồng, một đơn vị vừa lỗ nghìn tỷ, còn một công ty chỉ vừa được lập.
Tổng Hợp