Từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn cung mới của các dự án nhà ở xã hội liên tiếp được gia tăng ngay từ thời điểm đầu năm. Đến đầu tháng 6, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt đón nhận những thông tin tích cực về phân khúc nhà ở xã hội.
Tại Hà Nội, dự án nhà ở xã hội Khu nhà ở Đô thị Kim Hoa, huyện Mê Linh đã khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng. Khu nhà ở đô thị Kim Hoa bao gồm 9 toà nhà có thiết kế 9 tầng nổi và 1 tầng hầm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cho Hà Nội 720 căn hộ với diện tích linh hoạt từ 62-69 m2, giải quyết được nhu cầu về chỗ ở cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân sinh sống ở phía Bắc Thủ đô.
Các chuyên gia nhận định, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện Chương trình cho vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn khiến giải ngân gói tín dụng này bước đầu chưa như kỳ vọng nhưng cũng tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ có sự tăng trưởng do các chính sách điều hành vĩ mô đều đang ưu ái cho phân khúc này. Không chỉ nguồn cung mà sức thanh khoản của nhà ở xã hội cũng sẽ rất mạnh do phân khúc này có lực cầu rất lớn
“Tuy nhiên, các chính sách vẫn cần có độ “ngấm” để tác động dần dần vào thị trường nên nguồn cung nhà ở xã hội sẽ chưa tăng trưởng mạnh ngay trong năm nay mà sẽ khởi sắc từ từ theo độ “ngấm” chính sách”, ông Đính nhận định.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, đối với nhà ở xã hội, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, của các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, phân khúc này sẽ có sự khởi sắc không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.
“Từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ sẽ được gia tăng, trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường bất động sản, giảm bớt tình trạng chênh lệch cung – cầu, giúp phần lớn người dân đô thị chạm tới được giấc mơ an cư”, ông Thịnh nhận định.
Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Chính phủ ban hành mới đây, trong đó quy định rõ ràng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, phát triển nhà xã hội. Theo Nghị định, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tính đủ chi phí thu hồi vốn, kể cả lãi vay và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư. Đối với dự án có giá bán thấp hơn suất đầu tư xây dựng nhà ở cùng loại do cơ quan có thẩm quyền công bố (thường là Sở Xây dựng địa phương) tại cùng thời điểm thì được phép tính tỷ lệ lợi nhuận tối đa là 15%.
TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, mục tiêu tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 – theo đề án được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt ngày 03/4/2023, là khá thách thức. Báo cáo của Hiệp hội Bất Động sản Việt Nam cho thấy, nhu cầu nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp khoảng 70 triệu m2 đến nay mới chỉ đáp ứng được 10%. Một trong những vướng mắc lớn liên quan đến giới hạn về tỷ suất sinh lợi của chủ đầu tư nhà ở xã hội.
TS Lê Xuân Nghĩa nêu rõ: Việc quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận là những yếu tố khiến không mấy chủ đầu tư mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi đó, về mặt thủ tục đối với dự án nhà ở xã hội phải mất từ 3 – 5 năm để hoàn tất thủ tục hành chính cho đến khi có được quyết định cấp giấy phép xây dựng, số lượng thủ tục, giấy tờ gấp đôi so với dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó là các vấn đề về tỷ lệ đất, quy hoạch đất, bố trí đất cho dự án nhà ở xã hội chưa đáp ứng (điển hình như bài học lớn về những dự án nhà ở xã hội ở ngoại thành bán mấy chục lần không có ai mua).
Do đó, ông Nghĩa đề nghị bỏ quy định về lợi nhuận tối đa đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thay vào đó là ban hành khung giá cho nhà ở xã hội phù hợp với từng địa phương (kinh nghiệm của Trung Quốc).
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế cũng cho rằng, tỷ suất lợi nhuận tối đa chỉ 10%, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.
Tổng Hợp
(Dân Việt)