Việt Nam lại ngày càng thu hút đầu tư và là thị trường được nhiều nhà đầu tư quốc tế hướng đến nên biên độ tăng giá bất động sản có thể sẽ rất mạnh trong các năm tới.
Nhà đầu tư có thể xuống tiền mua bất động sản ngay trong giai đoạn này để đón làn sóng hồi phục năm 2022, nhưng cần đầu tư dài hạn và cẩn trọng với đòn bẩy tài chính; theo dõi kỹ biến động của từng loại hình để đưa ra lựa chọn đầu tư phù hợp.
Dù giá trên đà tăng nhưng chưa lập đỉnh, dư địa tăng giá còn lớn, bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nguồn tiền đầu tư. Ông Nguyễn Quốc Anh Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, giá bất động sản sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi thực tế tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam ở mức rất thấp chỉ 35% so với con số 60% tại Trung Quốc và 81% tại Hàn Quốc.
Mặt khác, giá nhà tại một số đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM đang ở mức 2.000 USD/m2, rất thấp so với các nước trong khu vực như Úc, Hong Kong, Singapore…
“Xét trên tầm khu vực, giá nhà Việt Nam vẫn được xem là thấp so với mức 8.000 – 29.000 USD/m2 của Singapore, Hong Kong, Thượng Hải. Việt Nam lại ngày càng thu hút đầu tư và là thị trường được nhiều nhà đầu tư quốc tế hướng đến nên biên độ tăng giá bất động sản có thể sẽ rất mạnh trong các năm tới”, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay.
Một trong những nguyên nhân khác khiến giá bất động sản sẽ khó giảm trong nhiều năm tới, theo PGS.TS. Phạm Đình Long (Đại học Mở TP.HCM) là do nhu cầu bất động sản luôn tăng còn diện tích đất lại không tăng. Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, dân số hiện tại của Việt Nam là 97,6 triệu người. Đến đầu năm 2021, dân số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 97,8 triệu người. PGS.TS. Phạm Đình Long lý giải, tác nhân giúp duy trì giá đất chính hiện nay là mật độ dân cư. Nên ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, giá bất động sản sẽ chỉ tăng chứ không giảm.
“Do nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến tài sản này ngày càng khan hiếm. Thông thường, cái gì khan hiếm thì giá cao, lập đỉnh và rất khó quay trở về vùng đáy trước đó. Nếu điều kiện kinh tế và chính trị ổn định trong trung và dài hạn, giá bất động sản khó có chuyện đi xuống”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Theo khảo sát từ Navigos, hiện giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội đang cao hơn 28 lần so với thu nhập của người trẻ. Cụ thể, thu nhập bình quân của người trẻ mới đi làm là 72 triệu đồng một năm, trong khi giá căn hộ 2 phòng ngủ bình quân hiện đã lên đến 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là dù giá liên tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới nhưng sức hấp thụ vẫn rất tốt. Đặc biệt, ở các dự án mới ra hàng, mặc dù mức giá được một số chủ đầu tư đưa ra cao kỷ lục, nhưng thực tế cho thấy vẫn được khách hàng chấp nhận.
Trong quá khứ, khách hàng chỉ cần mua một nơi để ở. Cách đây vài chục năm, bất động sản chủ yếu nằm ở trong làng, xã, trong các nhà tập thể 3 – 5 tầng. Thế nhưng, nhu cầu của người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở đó. Khi thu nhập đang ngày càng gia tăng, họ cần một nơi để sống chứ không phải chỉ là một nơi để ở. Họ ưu tiên mua bất động sản có đầy đủ các yếu tố gồm quy mô, vị trí trung tâm. Các sản phẩm có hai yếu tố này mới tiêu thụ được, những sản phẩm xa không có tiện ích an ninh, dịch vụ và thậm chí không có yếu tố thông minh thì khó tiêu thụ. Nhiều chủ đầu tư đã tìm hiểu hành vi mới của khách hàng để nâng giá bán và an toàn hơn trong đầu tư.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, bất động sản nhà ở chưa có xu hướng giảm giá mà vẫn tăng theo quý. Cụ thể, trên cả nước, giá bán căn hộ trung cấp dao động từ 20 – 35 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên. Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư bình dân khoảng 24,8 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư trung cấp khoảng 31 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư cao cấp khoảng 37,7 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020). Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,03%. Còn tại TP.HCM, mức giá bán dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020).