Đại dịch Covid-19 khiến cho tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, từ nay tới cuối năm khi các nhu cầu học hành, đi lại,… tăng lên cũng sẽ phản ánh vào giá cả, tạo áp lực lạm phát (lạm phát cầu kéo).
Như thời gian vừa qua, giá thực phẩm cũng đội lên sau khi giá xăng dầu trong nước tăng lên kỷ lục gần 30.000 đồng/lít nhưng nếu các hoạt động của nền kinh tế trở lại như giai đoạn trước dịch, thì chắc chắn giá sẽ còn cao hơn.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế, nhiều tổ chức vẫn bày tỏ lạc quan mặc dù áp lực lạm phát bủa vây.
Chẳng hạn như VCSC, tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022, ở mức 7,8%. Năm 2023, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 7%. Thậm chí, trong kịch bản tích cực được Dragon Capital đưa ra, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể lên tới 8 – 8,5%.
Dù khẳng định, áp lực lạm phát trong năm 2022 không hề nhỏ, nhưng nếu so với nhiều quốc gia trên thế giới PGS.TS Vũ Sỹ Cường thừa nhận “chưa có gì là ghê gớm”. Nguyên tắc chung, những nước đang phát triển thông thường lạm phát cao hơn các nước phát triển, nhưng năm nay có nghịch lý là một số nước phát triển như Châu Âu, Mỹ lạm phát rất cao trong khi Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất nằm ở đà tăng của giá tài sản.
“Rủi ro của Việt Nam là lạm phát tài sản – đây là điều hết sức nguy hiểm. Trước mắt, có thể chúng ta chưa nhận thấy được tác động của điều này do nhìn bề ngoài thị lạm phát chung rất thấp, nhưng lại “chết” trong dài hạn. Trong quá khứ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có thập kỷ mất mát khi lạm phát rơi vào tài sản, dẫn tới bong bóng tài sản rất lớn, người dân tìm mọi cách đổ tiền vào tài sản chứ không đổ tiền vào tiêu dùng sản xuất”, TS Cường lưu ý.
Cũng theo ông Cường, hiện công tác thống kê về giá tài sản như bất động sản còn rất hạn chế, chỉ số của bất động sản trong chỉ số CPI thấp và không phản ánh đúng. Do đó, Việt Nam cần phải đặc biệt lưu tâm tới vấn đề này.
Chia sẻ tại tọa đàm “đầu tư gì khi lạm phát” tổ chức vào cuối tuần trước, chuyên gia đến từ Dragon Capital cũng thừa nhận, đối với Việt Nam, tác động lớn nhất lên lạm phát ở mặt giá cả hàng hóa chính là giá xăng dầu. Hiện nay, Việt Nam đang phải trả gần 30.000 đồng/lít xăng RON-95 – cao hơn 15% so với trung bình các bang tại Mỹ và chỉ thấp hơn bang California – bang đắt nhất của nước Mỹ.
Vị chuyên gia này, cũng đưa ra ba kịch bản giá dầu trung bình cả năm tác động tới lạm phát 2022. Cụ thể, nếu giá dầu trung bình cả năm ở mức 95 – 130 USD/thùng thì lạm phát của Việt Nam sẽ giao động từ 3,7 – 5,3%. Còn trong kịch bản cơ sở, Dragon Capital dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,2% khi giá dầu trung bình ở mức 110 USD/thùng.
Tuy nhiên, nếu so giữa rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại với giai đoạn năm 2011 thì mức độ rủi ro thấp hơn nhiều. Năm 2011, tất cả hàng hóa đều tăng mạnh, gồm cả thực phẩm như giá gạo và thịt lợn, còn hiện nay giá hai mặt hàng này ổn định. Yếu tố thứ hai là tính ổn định của kinh tế vĩ mô với xu hướng chính sách tiền tệ giữ cân bằng trong 5 năm qua.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao, do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Dự báo, CPI bình quân 3 tháng đầu năm ở mức 2-2,1%. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, song theo Bộ Tài chính CPI quý I/2022 vẫn nằm trong kịch bản lạm phát.
Tổng Hợp